Thủ tướng Nhật Bản: Sẽ sớm giải quyết được các vấn đề hạt nhân

Nhật Bản ngày 18/3 tiếp tục nỗ lực làm mát các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 nhằm ngăn chặn điều xấu nhất có thể xảy ra. Các kỹ sư Nhật Bản thậm chí đã tính đến giải pháp cuối cùng là đổ cát và bê tông xuống nhà máy để ngăn phóng xạ thoát ra ngoài môi trường. Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã quyết định can thiệp vào thị trường tài chính để hỗ trợ Nhật Bản.

Trực thăng, vòi rồng tiếp tục được huy động

Nỗ lực làm mát nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, được coi là một sứ mệnh làm mát chưa từng xảy ra, đã bước sang ngày thứ 2. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) trong chiều 18/3 tiếp tục dùng máy bay dội hàng tấn nước lên tòa nhà chứa lò phản ứng số 3. SDF cũng dùng xe cứu hỏa phun 50 tấn nước vào bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng của lò phản ứng này.

Theo lời các công nhân có mặt tại khu vực nhà máy, việc phun nước dường như đã có tác dụng khi họ nhìn thấy hơi nước bốc lên từ tòa nhà chứa lò số 3 khoảng 30 phút sau khi dừng phun. Điều đó có nghĩa là nước đã chạm tới bể chứa các thanh nhiên liệu.

Lò phản ứng số 3 của Nhà máy Fukushima 1 bị hư hại nặng nề sau trận động đất hôm 11/3. Ảnh: AFP/ TTXVN


Những con số biết nói
 Số người thiệt mạng đã được xác nhận: 6.539. Số người mất tích: 10.354. Số người được sơ tán: 410.000 người thuộc 12 quận. Số người thiếu điện, nước: 320.000. Số ngôi nhà bị hư hại: 87.772. Thiệt hại kinh tế theo ước tính của Barclays: 183,7 tỷ USD (tương đương 3 % GDP Nhật Bản). Số nước hỗ trợ Nhật Bản: 117 nước và 29 tổ chức quốc tế.

Xe cứu hỏa của Sở cứu hỏa Tôkyô dự kiến cũng sẽ tham gia chiến dịch làm mát Nhà máy Fukushima 1 với 30 xe tải có thể phun một lượng nước lớn lên cao và khoảng 140 lính cứu hỏa thuộc đội "siêu giải cứu". Theo Chánh văn phòng nội các Yukio Edano, Sở cứu hỏa Tôkyô sẽ tham gia phun nước lên lò phản ứng số 1.

Theo hãng tin Kyodo, các công nhân của Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) đã làm việc thâu đêm, dồn mọi nỗ lực vào khôi phục hệ thống đường điện tới hệ thống làm mát của các lò phản ứng số 1 và 2. TEPCO cho biết, một đường điện đã được nối vào khu vực nhà máy nhưng phải mất 10 đến 15 tiếng nữa để nối đường điện này với hệ thống điện. Trong khi đó, đường điện tới lò số 3 và 4 dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 20/3. Một số bảng phân phối điện tại nhà máy Fukushima 1 đã bị hư hỏng sau trận động đất và TEPCO sẽ phải dùng các thiết bị thay thế tạm thời.

Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản cho biết, phóng xạ trong phạm vi cách nhà máy khoảng 1 km liên tục giảm sau khi các lò phản ứng được dội nước làm mát. Lúc 9 giờ 25 ngày 18/3 (giờ Việt Nam), mức độ phóng xạ là 265 microsievert/giờ, giảm so với con số 351,4 microsievert/giờ đo được lúc 10 giờ 55 hôm trước. Sau khi chụp các bức ảnh vệ tinh của Nhà máy Fukushima 1, quân đội Mỹ cũng cho biết nguy cơ tan chảy các thanh nhiên liệu hạt nhân đã giảm và họ "lạc quan thận trọng" rằng Nhật Bản có thể kiểm soát các lò phản ứng.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các kỹ sư Nhật Bản ngày 18/3 đã thừa nhận rằng chôn nhà máy bằng cát và bê tông có thể là cách duy nhất để ngăn chặn thảm họa rò rỉ hạt nhân. Đây là lần đầu tiên khả năng này được TEPCO nhắc tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo, một quan chức TEPCO cho rằng dù có thể chôn nhà máy bằng bê tông nhưng ưu tiên số 1 của họ hiện nay vẫn là cố gắng làm mát các lò phản ứng. Về phần mình, Cơ quan an toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản đã nâng mức độ nghiêm trọng của sự cố hạt nhân từ 4 lên 5 trong thang 7 mức.

G7 ra tay giúp Nhật Bản

Trận động đất gây sóng thần và nguy cơ rò rỉ hạt nhân vừa xảy ra đã khiến các thị trường tài chính Nhật Bản bị ảnh hưởng lớn. Trong một động thái can thiệp hiếm xảy ra và lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, G7 đã nhất trí phối hợp với Nhật Bản thực hiện các biện pháp chặn đà tăng của đồng yên và xoa dịu các thị trường tài chính ở quốc gia này.

Quyết định trên được thông báo trong một tuyên bố phát đi sau khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 tổ chức hội nghị khẩn cấp qua điện thoại về ảnh hưởng kinh tế của trận động đất ở Nhật Bản. Thông báo nêu rõ Mỹ, Anh, Canađa và Ngân hàng Trung ương châu Âu "sẽ cùng Nhật Bản can thiệp vào các thị trường hối đoái".

Động thái này của G7 diễn ra một ngày sau khi đồng yên tăng lên mức kỷ lục 76,25 yên đổi 1 USD. Sau thông báo của G7, ngay lập tức đồng yên đã hạ giá so với USD, chỉ số chứng khoán Nikkei tăng khoảng 2% giá trị, các thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng tăng mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda, cho biết, sự can thiệp của G7 nhằm mục đích làm dịu bất ổn và không chỉ nhằm vào tỷ giá của đồng yên. Đồng yên mạnh là một điều bất lợi đối với các nhà xuất khẩu Nhật Bản vốn đã bị "vùi dập" sau thảm họa động đất, sóng thần. Cũng trong ngày 18/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bơm thêm 49 tỷ USD tiền khẩn cấp vào thị trường tiền tệ.

Lời kêu gọi đoàn kết

Các tình nguyện viên chia cơm cho các nạn nhân vụ động đất tại một khu nhà tạm ở tỉnh Iwate ngày 18/3. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước ngày 18/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố các vấn đề hạt nhân của nước này sẽ sớm được giải quyết, đồng thời kêu gọi cả nước đoàn kết trong việc tái thiết đất nước. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định trận động đất kinh hoàng, thảm họa sóng thần và sau đó là khủng hoảng hạt nhân là "sự thử thách vô cùng to lớn đối với người dân nước này" song Nhật Bản sẽ vượt qua được thảm kịch này và sẽ phục hồi.

Trong khi đó, công tác cứu trợ, cứu nạn vẫn tiếp diễn trong điều kiện mưa tuyết giá lạnh. Theo hãng tin AFP, một chiến dịch cứu trợ quốc tế quy mô lớn đang được thực hiện để giúp đỡ nạn nhân thảm họa ở Nhật Bản, đặc biệt là trẻ em. Ông Steve McDonald thuộc tổ chức Save the Children ước tính thảm họa động đất, sóng thần đã khiến 100.000 trẻ em sống trong cảnh vô gia cư.

Đến nay, 90.000 nhân viên cứu hộ đã tiếp cận được khoảng 26.000 người sống sót. Nhưng việc phân chia đồ cứu trợ do các quốc gia đóng góp gặp trở ngại do thiếu nhiên liệu, phương tiện giao thông. Người dân ở các nơi trú tạm cũng phải chịu giá rét do các thiết bị sưởi ấm vô dụng vì thiếu điện.

Trong tình cảnh đó, Trung Quốc đã cung cấp 10.000 tấn xăng và 10.000 tấn dầu điêden cho Nhật Bản, đồng thời cam kết hỗ trợ 4,5 triệu USD dưới dạng hàng cứu trợ như chăn, lều bạt, đèn. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng khẳng định lại rằng Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ thêm bất kỳ điều gì khi Nhật Bản đề nghị.

Song song với việc cử các đội cứu hộ đến Nhật Bản, chính phủ nhiều nước như Trung Quốc, Anh, Thái Lan, Mỹ đang sơ tán công dân của mình khỏi Nhật Bản do lo ngại rò rỉ hạt nhân.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN