Nhật Bản, Mỹ cam kết tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên

Ngày 6/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ James Mattis, trong đó 2 bên nhất trí tiếp tục gia tăng sức ép với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (thứ 2, phải), Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (thứ 2, trái), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera (trái) tại cuộc họp an ninh cấp cao "2+2" ở Washington, Mỹ ngày 17/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết 2 bộ trưởng quốc phòng cũng bày tỏ ý định hợp tác trong việc Lực lượng phòng vệ Nhật Bản mua hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore đặt trên mặt đất.

Theo kế hoạch, trong ngày 6/9, Bộ trưởng Onodera sẽ gặp Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift (Xcốt Suýp) tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản để khẳng định quan hệ hợp tác Nhật-Mỹ trong việc xử lý các vấn đề an ninh.
  
Trước đó, ngày 5/9, Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm và nhất trí rằng Trung Quốc phải hành động nhiều hơn nữa để thuyết phục Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa.
  
Theo người phát ngôn của Thủ tướng May, trong cuộc điện đàm, 2 nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Trung Quốc phải đóng vai trò then chốt trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, và Bắc Kinh cần gia tăng ảnh hưởng buộc Triều Tiên ngừng tiến hành các vụ thử hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh và an toàn của các quốc gia trong khu vực. Bà May cho biết sẽ hợp tác với các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) về những biện pháp tiếp theo mà EU có thể thực hiện để gây sức ép với Bình Nhưỡng.
  
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân vừa qua của Bình Nhưỡng. Ông Johnson cho biết Bộ Ngoại giao Anh đã triệu Đại sứ Triều Tiên tại Anh để trao "công hàm phản đối chính thức".
  
Cũng trong ngày 5/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson, trao đổi những đánh giá về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
  
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Moskva kiên quyết phản đối sự leo thang căng thẳng quân sự tại Đông Bắc Á, đồng thời cho rằng cần ưu tiên các biện pháp ngoại giao và chính trị nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình.

Ông Lavov cho biết Nga sẵn sàng xem xét dự thảo nghị quyết về Bình Nhưỡng mà Mỹ và các đồng minh dự kiến trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) để bỏ phiếu thông qua sớm nhất vào ngày 12/9 tới, nếu văn kiện này phản ánh quan điểm nêu trên.
  
Cùng ngày, Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ gây sức ép với HĐBA LHQ nhằm thông qua một nghị quyết trừng phạt mới sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo hành động đáp trả.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, một người phát ngôn giấu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên án các biện pháp trừng phạt và hành vi gây sức ép của Mỹ, cảnh báo Washington sẽ phải chịu trách nhiệm về những "hậu quả thảm khốc" sắp tới, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.

TTXVN/Báo Tin Tức
Ngay sau Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc tập trận 'bắn hạ tên lửa đang bay'
Ngay sau Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc tập trận 'bắn hạ tên lửa đang bay'

Chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên bất ngờ thử bom nhiệt hạch vào sáng 3/9, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận trong đêm 5/9 với mục tiêu “bắn hạ tên lửa đang bay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN