Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết ông muốn tổ chức Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) để hỗ trợ “tác động mạnh mẽ hoạt động Nhật Bản” tại Lục địa Đen. TICAD được tổ chức 5 năm một lần kể từ 1993. Địa điểm được lựa chọn thường là Nhật Bản hoặc một quốc gia châu Phi.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cùng người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ tham dự TICAD năm nay, bên cạnh đó còn có 150 công ty Nhật Bản.
Động thái tổ chức TICAD của Nhật Bản diễn ra sau khi Trung Quốc mở rộng đầu tư tại châu Phi, trong năm 2018, Bắc Kinh đã tuyên bố quỹ phát triển 60 tỷ USD dành cho châu Phi. Con số này gấp đôi số tiền Tokyo cam kết tại TICAD trong năm 2016.
Các nhà phân tích cho biết Nhật Bản nhiều khả năng không vượt qua số tiền hỗ trợ châu Phi của Trung Quốc trong TICAD năm 2019 được tổ chức từ 28-30/8. Thủ tướng Abe gần đây phát biểu: “Nhật Bản muốn châu Phi tăng trưởng với 'phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, khoa học công nghệ và cải tiến”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy tăng trưởng tại nhiều nơi ở châu Phi. Tuy nhiên, chính tại châu Phi và nhiều nơi khác đã xuất hiện chỉ trích cho rằng “Vành đai, Con đường” chỉ ưu ái doanh nghiệp và người lao động Trung Quốc, chứ không chú trọng tới vấn đề môi trường và khiến nhiều quốc gia rơi vào nợ nần.
Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định sẽ đưa ra nhiều ưu tiên tài chính. Trong những khoản cho vay mà Nhật Bản dự kiến đề xuất có tới 400 tỷ Yên dành cho các dự án năng lượng tái tạo. Theo tờ nhật báo Nikkei (Nhật Bản), số tiền này có thể dành cho các dự án như cơ sở điện gió tại Ai Cập cùng nhà máy năng lượng địa nhiệt tại Kenya cùng Djibouti.
Ngoài ra, Nikkei cho biết Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Phi sẽ cùng phối hợp công bố kế hoạch cho vay hơn 300 tỷ Yên dành riêng phát triển cơ sở hạ tầng.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời nhà nghiên cứu Mohamed Diatta tại Viện nghiên cứu An ninh ở Ethiopia nhận định: “Đối với các quốc gia châu Phi, Nhật Bản được coi như đang thực hành chính sách ngoại giao yên tĩnh và không phức tạp. Nhật Bản là một đối tác phát triển, không can thiệp nhiều như Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư chứng khoán trực tiếp của Nhật Bản tại châu Phi đạt mức 7,8 tỷ USD vào cuối năm 2017 - con số này thua xa Trung Quốc khi đạt mức 43 tỷ USD cùng thời kỳ.
Xuất khẩu của Nhật Bản đến châu Phi trong năm 2018 giảm hơn 27% so với mức năm 2008 nhưng xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng tới gần 50% tới Lục địa Đen trong thập niên qua.
Chủ tịch JETRO Nobuhiko Sasaki đánh giá: “Liệu Nhật Bản có thể kinh doanh tại châu Phi và gặt hái thành quả? Nhật Bản và các doanh nghiệp nước này đang đối mặt với thách thức thật sự”.