Quyết định trên được đưa ra khi IHA lo ngại rằng sự kiện này có thể sẽ thu hút hàng nghìn người tới một khu vực có không gian hạn chế, trong đó có nhiều người cao tuổi – những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, cùng với một số lý do khác.
Thông thường, sự kiện này thường được tổ chức vào ngày 2/1 hàng năm. Tại đó, từ ban công của Hoàng cung ở Tokyo, Nhật hoàng và Hoàng hậu cùng với các thành viên khác trong Hoàng gia sẽ chào đón hàng nghìn người tới chúc mừng. Trong sự kiện chào mừng năm mới 2020, Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và các thành viên khác trong Hoàng gia đã chào đón khoảng 68.000 người. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát, với tình trạng các ca nhiễm mới tăng kỷ lục vào cuối tuần trước, sự kiện này đã bị hủy bỏ cùng với nhiều sự kiện khác có liên quan tới Hoàng gia.
Trước đó, ngày 26/11, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 2.504 ca mắc mới, mức cao thứ hai kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này. Trước đó, mức cao kỷ lục về số ca nhiễm mới được ghi nhận vào ngày 21/11, với 2.592 ca. Số người tử vong vì dịch bệnh này cũng tăng thêm 29 người lên 2.078 người, trong đó các tỉnh ghi nhận số người tử vong cao kỷ lục trong 1 ngày gồm Osaka (12 người) và Hokkaido (7), trong khi số người đang nguy kịch tăng thêm 34 lên 410 người.
Hãng tin Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách hoạt động ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, ngày 26/11 cho hay các nhà chức trách có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp ở những khu vực mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh nếu nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ nâng mức cảnh báo ở những khu vực này lên mức cao nhất.
Về phần mình, Thủ tướng Yoshihide Suga cho rằng “thời gian 3 tuần tới là cực kỳ quan trọng” để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh. Ông kêu gọi mọi người tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa cơ bản, trong đó có việc đeo khẩu trang, rửa tay và giãn cách xã hội.
Trong khi đó, theo đài truyền hình NHK, trong cuộc gặp với các quan chức chính quyền thủ đô Tokyo cùng ngày, các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo dịch bệnh đang tiếp tục lan nhanh, và số lượng ca nhiễm mới sẽ tiếp tục tăng, có thể khiến hệ thống y tế ở thủ đô quá tải. Nhóm chuyên gia này cảnh báo việc điều trị cho các các bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch trong lúc vẫn cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thông thường khác sẽ khó khăn hơn.
Theo nhóm chuyên gia này, cần phải thực hiện ngay lập tức các biện pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng của số ca nhiễm mới trước khi tình hình trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Người già đang phải đối mặt với rủi ro nhiễm bệnh đặc biệt cao, và cần phải giảm bớt rủi ro như vậy.
Trong một diễn biến liên quan khác, chính quyền hai thành phố lớn ở Nhật Bản, gồm Sapporo thuộc tỉnh Hokkaido và Nagoya thuộc tỉnh Aichi, sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh phục vụ đồ uống có cồn như nhà hàng, quán bar hay cửa hàng karaoke rút ngắn thời gian kinh doanh nhằm khống chế dịch COVID-19. Riêng chính quyền tỉnh Aichi dự kiến sẽ trợ cấp 20.000 yen/ngày (192 USD) cho các cơ sở kinh doanh tuân thủ yêu cầu này. Như vậy, cho đến nay đã có 4 thành phố lớn ở Nhật Bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh phục vụ đồ uống có cồn thu hẹp thời gian kinh doanh, trong đó có thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka.
Quyết định này được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ kiến nghị đóng cửa hoặc rút ngắn thời gian hoạt động của các cơ sở vui chơi, giải trí ban đêm trong một vài tuần, đồng thời hạn chế hoạt động đi lại từ và tới các khu vực có số ca nhiễm mới tăng mạnh trong vài tuần gần đây.