Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Tokyo, ông Kato, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, cho biết nước này hoan nghênh 5 điểm đồng thuận của ASEAN về tình hình ở Myanmar tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN (ALM) hôm 24/4, coi đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc cải thiện tình hình ở quốc gia này.
Cũng liên quan đến tình hình ở Myanmar, Liên minh châu Âu (EU) trước đó cùng ngày cho rằng đồng thuận 5 điểm về Myanmar đạt được tại ALM là "bước tiến đáng khích lệ" trong nỗ lực không ngừng của ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Nam Á này.
Trước đó, trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), bà Linda Thomas-Greenfield khẳng định sẽ “theo dõi sát sao” việc thực thi các quyết định của Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN về Myanmar.
Tại Australia, Bộ Ngoại giao nước này hôm 25/4 cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh Hội nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Jakarta, trong đó có nội dung thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Tuyên bố có đoạn "Australia đánh giá cao sự lãnh đạo của cả ASEAN và sự lãnh đạo của Brunei Darussalam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, trong những hoàn cảnh khó khăn, đã đưa các bên trong khu vực lại với nhau để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Australia hoan nghênh 5 điểm đồng thuận của ASEAN về tình hình ở Myanmar".
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 vừa qua sau khi quân đội nước này bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD). Tại ALM, lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar, bao gồm chấm dứt hành vi bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên, một đặc phái viên ASEAN sẽ tạo điều kiện cho đối thoại, chấp nhận viện trợ, và chuyến thăm Myanmar của phái viên này.