Việc xác định lai lịch người quá cố, hỏa táng thường được tiến hành bằng ngân sách công. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, thân nhân của người quá cố từ chối hoặc không hồi đáp yêu cầu nhận lại tro cốt.
Nguyên nhân của thực trạng này được cho là việc chôn cất có thể tốn kém và mất thời gian, và đó là gánh nặng đối với thân nhân, đặc biệt đối với những trường hợp hầu như không biết gì về người họ hàng quá cố.
"Khi tôi chết, tôi chỉ có 150.000 yên (khoảng 1.340 USD), liệu có thể hỏa táng và chôn cất tôi như chôn một người xin cứu tế không? Tôi không có người thân để nhận di cốt của tôi" - đó là lời nhắn để lại của một người đàn ông 70 tuổi từng sống tại Yokosuka, phía Nam thủ đô Tokyo. Ông đã qua đời năm 2015 và bình đựng tro cốt của ông được chôn cất tại một ngôi đền địa phương.
Những bình tro cốt vô thừa nhận phản ánh sự thay đổi trong đời sống xã hội, kinh tế và nhân khẩu học ở Nhật Bản, nơi có nhiều người già sống dựa vào phúc lợi xã hội và gia đình phân tán, theo đó các giá trị truyền thống gia đình bị xói mòn.
Trong những thập kỷ gần đây, trường hợp 3 thế hệ sống chung dưới một mái nhà rất hiếm thấy tại Nhật Bản. Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này là do nền kinh tế của Nhật Bản đã thay đổi, trong đó các cặp vợ chồng có ít con hơn và mọi người có xu hướng đi làm xa nhà nhiều hơn.
Với mặt bằng tiền lương ở Nhật Bản hầu như giữ nguyên nhiều năm qua, chi phí cho việc tổ chức tang lễ có thể là một gánh nặng. Một tang lễ truyền thống - bao gồm chi phí ăn uống, quà tặng cho khách đến viếng, chi phí mời nhà sư đến tụng kinh niệm Phật, có thể tốn tối thiểu 2 triệu yên (khoảng 17.800 USD).
Sự cấp bách về nơi cất giữ bình đựng tro cốt đang ngày một tăng, khi giới chuyên gia mới đây đã tăng mức dự báo tỷ lệ tử vong tại Nhật Bản, theo đó từ nay đến năm 2040 mỗi năm tại nước này sẽ có 1,67 triệu người qua đời, số với ước tính trước đây là 1,33 triệu người, ngay cả khi tổng dân số giảm.