Cư dân của Kyushu, hòn đảo lớn phía Tây Nam, đã bắt đầu ăn mừng sự thịnh vượng trở lại. Một liên doanh giữa TSMC (nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Đài Loan) và tập đoàn Sony đang hồi sinh nền kinh tế của hòn đảo lớn phía Tây Nam Nhật Bản. Kyushu vốn đã là quê hương của một ngành công nghiệp công nghệ lớn và đa dạng nhưng giờ nó đang cần được thúc đẩy.
Thị trấn Kikuyo, tỉnh Kumamoto, nơi nhà máy liên doanh được xây dựng, đang chứng kiến cuộc bùng nổ bất động sản, với giá đất công nghiệp tăng 31,6%, giá đất thương mại tăng 13,6% và giá đất thổ cư tăng 7,7% vào năm 2022.
Liên doanh nói trên, có tên gọi là Japan Advanced Semiconductor Manufacturing (JASM), sẽ đưa chuyên môn sản xuất của Đài Loan, cũng là nhà chế tạo vật liệu bán dẫn hàng đầu thế giới đến Nhật Bản. JASM sẽ sản xuất các thiết bị bán dẫn cho Sony, Denso và các khách hàng Nhật Bản khác.
Tại thành phố Kumamoto gần đó, thành phố lớn thứ ba ở Kyushu, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nói chung đang mong đợi những năm thịnh vượng.
Chỉ riêng khoản đầu tư vào nhà máy dự kiến sẽ đạt khoảng 1 nghìn tỷ yen (7,5 tỷ USD), với khoảng một nửa trong đó là do chính phủ Nhật Bản trợ cấp. Khi hoàn thành vào cuối năm 2024, TSMC, Sony và các nhà cung cấp của họ sẽ cần thêm 7.000 đến 8.000 công nhân. Cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, nước, điện, khí đốt còn thiếu; không có đủ nhà ở; các cửa hàng, trường học và cơ sở giải trí còn hạn chế. Thực tế đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhà máy mới rất phù hợp với Kyushu, nơi đã tồn tại các công ty và nhà máy đã sản xuất chất bán dẫn, màn hình phẳng và tấm pin mặt trời cũng như vật liệu, bộ phận, thiết bị và phương tiện được sử dụng để sản xuất chúng.
Các sản phẩm bán dẫn của Kyushu bao gồm bộ nhớ và thiết bị bán dẫnm, máy vi tính; các thiết bị rời, tần số vô tuyến; thiết bị quang điện tử; cảm biến hình ảnh và các loại cảm biến khác.... Các quy trình sản xuất được sử dụng bao gồm từ thiết kế thông qua chế tạo thiết bị đến thử nghiệm cuối cùng. Kyushu cũng là nơi cung cấp các loại vật liệu như tấm silicon, mặt nạ quang, khí và hóa chất.
Các sản phẩm khác được sản xuất tại "đảo Silicon" này còn bao gồm hệ thống âm thanh xe hơi, định vị, hỗ trợ người lái và hệ thống an toàn, thiết bị phát điện bằng năng lượng mặt trời và gió, ổ đĩa, máy ảnh kỹ thuật số và nhiều loại máy móc điện tử khác.
Kyushu là nhà xuất khẩu ròng chất bán dẫn sang Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ, đồng thời có hoạt động thương mại chất bán dẫn gần như tương đương với Hàn Quốc và Đài Loan/Trung Quốc. Đây là nhà xuất khẩu ròng thiết bị sản xuất chất bán dẫn và màn hình phẳng cho tất cả các khu vực đó ngoại trừ Đài Loan và Bắc Mỹ.
Hòn đảo này, với diện tích 36.782 km vuông, gần bằng Đài Loan, nhưng dân số chỉ bằng hơn một nửa. GDP của Kyushu là khoảng 400 tỷ USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại, gần bằng một nửa so với Đài Loan, tương đương với quy mô của Philippines và lớn hơn một chút so với Đan Mạch. Kyushu chiếm khoảng 10% tổng dân số và tổng GDP của Nhật Bản.
Ngoài điện tử, các ngành công nghiệp chính của Kyushu còn bao gồm ô tô và phụ tùng ô tô, thép, nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh cá.
Thành phố lớn nhất ở Kyushu là Fukuoka ở phía Bắc. Tỉnh Fukuoka có số lượng công ty công nghệ cao lớn nhất trên đảo và cũng là trung tâm của ngành thép. Đầu tư và giá bất động sản cũng đang tăng ở đó.
Giống như phần lớn Nhật Bản, Kyushu là một khu vực dễ động đất. Vào tháng 4/2016, các trận động đất mạnh 6,2 và 7,0 độ liên tiếp đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở thành phố Kumamoto. Điều này không có gì lạ đối với ngành công nghiệp bán dẫn: Đài Loan và Thung lũng Silicon của Mỹ cũng nằm trên đỉnh Vành đai lửa Thái Bình Dương. Có 9 ngọn núi lửa đang hoạt động trên đảo Kyushu, trong đó có núi Aso ở tỉnh Kumamoto.
Mọi thứ lúc này đang tốt đẹp cho Kyushu, nhưng những năm gần đây thật khó khăn. Dân số của hòn đảo, giống như của Nhật Bản nói chung, đang giảm. Tỷ lệ sinh thấp hơn mức thay thế, cộng với dòng di cư mạnh đến Tokyol.
Dân số của thành phố Kumamoto đã giảm kể từ năm 2020, nhưng với tốc độ trung bình hàng năm dưới 0,2%. Các cơ hội việc làm mới do liên doanh JASM và các doanh nghiệp liên quan tạo ra có khả năng đảo ngược xu hướng này.
Vào tháng 12, có thông tin cho rằng Sony đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất cảm biến hình ảnh khác ở tỉnh Kumamoto, cũng trên "đảo Silicon". Hoạt động xây dựng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới và nhà máy có thể đi vào sản xuất từ cuối năm 2025.
Trong khi đó, các nhà đầu cơ bất động sản đã chuẩn bị sẵn sàng với thông báo về nhà máy thứ hai của nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới TSMC tại Nhật Bản.