Vụ việc trên đánh dấu một bước quan trọng đối với Bộ Quốc phòng Mỹ trong việc phát triển năng lực năng AI tiên tiến.
Theo thông báo mới đây của Phi đội số 412 thuộc Không quân Mỹ, hai chương trình AI khác nhau đã điều khiển Máy bay thử nghiệm mô phỏng độ ổn định trong chuyến bay X-62A, hay còn gọi là VISTA, trong 12 cuộc thử nghiệm với một phi công ngồi hỗ trợ trong buồng lái. Chương trình được thực hiện vào tháng 12/2022 tại Căn cứ Không quân Edwards ở California. (Xem video AI điều khiển máy bay VISTA cất cánh từ căn cứ Edwards. Nguồn: Twitter)
Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng (DARPA) cho biết VISTA là một máy bay chiến đấu F-16 hai chỗ ngồi đã được sửa đổi nhiều để nhằm mục đích huấn luyện. Nó có thể được điều khiển bởi các chương trình AI tự động và phản ánh các đặc điểm của tiêm kích F-16 hoặc máy bay không người lái MQ-20.
Một trong hai chương trình AI vừa được quân đội thử nghiệm là sản phẩm của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AACO). Chương trình này đã thử điều khiển VISTA trong các cuộc giao tranh trực tiếp chống lại kẻ thù mô phỏng ngoài tầm nhìn.
Chương trình còn lại của DARPA thì điều khiển máy bay chiến đấu tham gia vào các trận không chiến cơ động trong tầm nhìn, chống lại AI của đối thủ.
Giám đốc truyền thông của Phi đội 412 Chase Kohler cho hay cả hai thuật toán trên đã được tải lên máy bay VISTA và sau đó máy bay thực hiện một loạt thao tác được quy định trước với các thuật toán.
Quân đội Mỹ đã thử nghiệm lần lượt các chương trình trên, tráo đổi chúng và chạy mới trong khung thời gian chỉ vài giờ.
Ông Kohler cho biết: “Đây là lần đầu tiên một chiếc máy bay thuộc bất kỳ loại nào có thể thử nghiệm hai thuật toán độc quyền hoàn toàn khác nhau trong cùng một ngày, thậm chí trong vòng vài giờ”.
Theo ông Malcolm Cotting, Giám đốc nghiên cứu tại Trường dạy lái của Không quân Mỹ cho rằng nhóm X-62A VISTA đã chứng minh được năng lực thực hiện các nhiệm vụ thử nghiệm AI phức tạp, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển và nghiên cứu cho Bộ Quốc phòng.
Thử nghiệm gần đây được xây dựng dựa trên những thành quả của nhiều năm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong quân đội. Gần ba năm trước, DARPA cho một phi công F-16 chống lại đối thủ AI trong một trận chiến không đối không mô phỏng. Kết quả, AI đã giành được một chiến thắng hoàn hảo. Nhưng các cựu phi công của Lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ nói với Insider rằng tình hình đã ngả nhiều về lợi thế của AI.
Trước đó, quân đội Mỹ đã tăng chi tiêu cho nhiều nghiên cứu tuyệt mật nhằm ứng dụng AI trong các hệ thống phòng thủ tên lửa, với hy vọng dự báo chính xác hơn nguy cơ về các cuộc tấn công tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Nếu các nghiên cứu này thành công, Mỹ sẽ có trong tay các hệ thống máy tính có thể tự suy nghĩ, xử lý một lượng dữ liệu lớn, bao gồm cả những hình ảnh vệ tinh, với tốc độ và độ chính xác vượt trội so với khả năng của con người, để tìm kiếm các dấu hiệu của việc chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa.