Trong tuyên bố đưa ra ngày 17/8, Đại sứ quán Nhật Bản tại Mauritius cho biết đội chuyên gia gồm 7 người sẽ rời Nhật Bản trong ngày 18/8 và mang theo các nguyên vật liệu như chất hấp thụ dầu tràn. Tuyên bố nêu rõ: "Sự cố tràn dầu này đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường ven biển ở miền Đông Nam của Mauritius và chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành du lịch của quốc đảo này. Nhật Bản đã quyết định cử đội chuyên gia (đến Mauritius) sau khi cân nhắc tổng thể và toàn diện mọi hoàn cảnh, bao gồm yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ Cộng hòa Mauritius và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước".
Trước đó, Nhật Bản đã điều một đội ngũ gồm 6 chuyên gia và nhà ngoại giao đến hỗ trợ xử lý sự cố tràn dầu này. Ngoài Nhật Bản, nhiều nước khác cũng đang tích cực hỗ trợ Mauritius khắc phục hậu quả sự cố. Trong ngày 16/8, một nhóm gồm 10 thành viên thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã tới Mauritius, mang theo 28 tấn trang thiết bị như xà lan và thuyền máy. Sau đó 1 ngày, Pháp cũng cho biết sẽ cử 3 chuyên gia tới hỗ trợ Mauritius xử lý chiếc tàu bị mắc cạn. Pháp đã điều các máy bay quân sự, tàu và cung cấp thiết bị nhằm giúp kiểm soát sự cố dầu tràn, vốn cũng đe dọa đảo La Reunion thuộc nước này.
Tàu MV Wakashio thuộc sở hữu của công ty vận tải biển Nagashiki của Nhật Bản, bị mắc cạn tại rạn san hô ở phá Pointe d'Esny của Mauritius ngày 25/7 khi đang trên hành trình từ Trung Quốc đến Brazil và bắt đầu rò rỉ dầu hơn 1 tuần sau đó. Ngày 16/8, Mitsui OSK Lines - công ty vận hành tàu MV Wakashio - thông báo tàu này đã bị vỡ đôi. theo Mitsui OSK Lines, trên tàu này có hơn 4.000 tấn nhiên liệu, trong đó khoảng 1.180 tấn nhiên liệu đã bị tràn ra vùng nước xung quanh. Mauritius đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường trong khi các nhóm cứu hộ, với sự góp sức của nhiều nước trên thế giới, chạy đua với thời gian để bơm hút gần 3.000 tấn dầu còn lại trên tàu. Công việc này gần như hoàn tất trước thời điểm tàu bị vỡ làm đôi. Tuy nhiên. Mitsui OSK Lines xác nhận rằng "một số lượng dầu chưa kịp bơm hút được cho là đã rò rỉ khỏi tàu", nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Chính phủ Mauritius tuyên bố sẽ yêu cầu chủ sở hữu tàu trên và hãng bảo hiểm bồi thường về "tất cả những tổn thất và thiệt hại" liên quan thảm hỏa tràn dầu.
Quốc đảo Mauritius ở Ấn Độ Dương có khoảng 1,3 triệu dân, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài nguyên biển để cung cấp nguồn thực phẩm và phát triển du lịch sinh thái. Mauritius nổi tiếng là một điển hình thành công vừa bảo tồn vừa phát triển, là điểm đến ưa thích đối với những người yêu thiên nhiên. Sự cố trên bị coi là một thảm họa đối với cả môi trường và kinh tế của Mauritius. Các nhà khoa học cho biết tác động đầy đủ của vụ tràn dầu vẫn đang được xác định nhưng thiệt hại có thể ảnh hưởng đến quốc đảo này trong nhiều thập kỷ.