Quyết định trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cảnh báo số ca nhiễm mới ở nước này có thể sẽ tăng sau kỳ nghỉ dài kết thúc vào ngày 5/5, và do vậy, đề nghị chính phủ duy trì các biện pháp mạnh để chống dịch COVID-19 sau khi kỳ nghỉ này.
Trong thời gian gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20h hằng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa. Tuy nhiên, khác với 2 tuần trước, để hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch, theo đó chỉ yêu cầu các trung tâm thương mại lớn rút ngắn thời gian hoạt động thay vì đóng cửa; giới hạn số lượng khán giả dự khán các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở mức tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức thay vì không cho phép khán giả tham gia. Mặt khác, Nhật Bản sẽ siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với những công dân Nhật Bản và người nước ngoài đến từ Ấn Độ, nơi dịch COVID-19 đang hoành hành. Người dân cũng được khuyến cáo hạn chế tập trung theo nhóm uống rượu bia ở công viên và trên đường phố.
Trước đó, ngày 23/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây gồm Osaka, Kyoto và Hyogo. Mặc dù biện pháp này đã giúp giảm số ca nhiễm mới nhưng tốc độ giảm vẫn rất chậm, trong khi hệ thống y tế ở nhiều địa phương, nhất là Osaka, vẫn rất căng thẳng. Ngày 6/5, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ dài, Nhật Bản ghi nhận 4.380 ca nhiễm mới trên toàn quốc, giảm 229 ca so với thời điểm bắt đầu áp dụng tình trạng khẩn cấp lần 3.
Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 14 ca lên 65 ca. Số bệnh nhân nguy kịch giảm nhẹ so với mức kỷ lục 1.114 người ghi nhận một ngày trước đó, xuống còn 1.098 ca.
* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này sẽ gửi tới Ấn Độ hàng trăm bình oxy và các thiết bị y tế khác nhằm giúp quốc gia Nam Á này đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành nghiêm trọng.
Theo thông báo, Seoul dự định gửi 230 máy tạo oxy, 200 bình oxy và van điều áp cùng 100 thiết bị cách ly áp lực âm tới Ấn Độ bằng đường hàng không trong ngày 9/5 tới. Số thiết bị này sẽ được trao tặng Hội Chữ thập đỏ Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với Ấn Độ trong việc ứng phó với những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra”.