Theo nhật báo Japan Times, hành vi vứt bừa khẩu trang đã qua sử dụng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Các nhà hàng tại Nhật Bản đang rất đau đầu vì không biết phải xử lý khẩu trang mà khách hàng sử dụng ra sao.
Một nhân viên 24 tuổi giấu tên làm việc tại quán rượu Shibuya cho biết quán rượu gặp khó khăn khi khách hàng vứt khẩu trang trên ghế sofa và bàn ăn. “Mỗi ngày, chúng tôi phải xử lý 5 đến 6 chiếc khẩu trang bị bỏ lại. Mặc dù chúng tôi đã yêu cầu khách mang khẩu trang về nhà rồi vứt, song một số người vẫn để nguyên. Vì tôi không thể đeo găng tay khi làm việc, nên tôi không còn lựa chọn nào khác là phải nhặt khẩu trang bằng tay không”, nhân viên trên chia sẻ.
Không chỉ ảnh hưởng tới các nhà hàng, rác thải khẩu trang cũng gây khó khăn cho công việc nhặt rác của các tình nguyện viên. Green Bird – một tổ chức phi lợi nhuận tại Tokyo chuyên thu gom, nhặt rác trên đường phố - cho biết họ đã phải ngừng hoạt động từ cuối tháng trước. Tổ chức cho biết do nhân viên và tình nguyện viên có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 khi sờ vào khẩu trang vứt đi hoặc mẩu thuốc lá thừa nên họ đã dừng hoạt động.
Theo Green Bird, ngay cả khi sử dụng găng tay hay dụng cụ gắp rác, ngày cả khi rửa tay kỹ lưỡng, thì điều đó cũng không đủ để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh. Trong 30 phút nhặt rác tại quận Harajuku (Tokyo) ngày 11/3, nhân viên Green Bird đã thấy 5 chiếc khẩu trang trên đường.
Theo bác sĩ Masayuki Ishida – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Chikamori thuộc thành phố Kochi, có tồn tại rủi ro lây nhiễm qua khẩu trang bị vứt đi. Ông cảnh báo một số chủng virus Corona nhất định có thể sống sót từ 6 đến 9 ngày trong túi hoặc đồ đựng nhựa với điều kiện nhiệt độ 20 độ C.
Vị bác sĩ khuyến cáo mọi người tránh chạm tay vào khẩu trang của người khác. Bên cạnh đó, khi tháo bỏ khẩu trang, nên dùng tay tháo phần quai ở tai, không chạm trực tiếp vào bề mặt khẩu trang. “Chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bằng cách vứt khẩu trang vào những chỗ thích hợp nếu không còn nhu cầu sử dụng”, bác sĩ Ishida kết luận.