Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ứng dụng trên ra mắt vào tháng 11/2019 trên Google Play, cung cấp dịch vụ thu gom rác “tận cửa” và cho phép người dân trao đổi rác thải có thể tái chế lấy tiền mặt. Hiện công ty mới chỉ chấp nhận các loại rác thải gồm chai nhựa, nắp chai nhựa và cốc nhựa.
Để tiến hành giao dịch, người dùng chụp, gửi ảnh và thông tin địa chỉ gom rác qua ứng dụng. Ngoài ra, người dùng có thể biết chính xác số tiền mà mình được nhận khi cung cấp chủng loại và trọng lượng rác. Mức giá rác thải nhựa được thu mua vào khoảng từ 4.000 - 6.000 rupiah (tương đương 6.800 - 10.200 đồng)/kg. Rác thải sau đó được chuyển tới nhà máy của công ty đặt tại thành phố Bekasi thuộc tỉnh Tây Java để chế biến thành các viên nhựa hoặc hạt nhựa để tái sử dụng.
Giám đốc công ty PT. Multi Inti Digital Lestari, ông Dicky Wiratama cho biết ứng dụng được phát triển trước mối lo ngại về tình trạng rác thải nhựa trong đại dương. Theo một báo cáo được Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) công bố vào năm 2018, Indonesia thải ra môi trường 64 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm, trong đó 3,2 triệu tấn trôi ra đại dương.
Chính thủ đô Jakarta cũng đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng trong việc xử lý một khối lượng rác thải gia tăng với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường Jakarta, lượng rác thải hàng ngày của thành phố đã tăng từ 6.561 tấn vào năm 2016 lên 6.875 tấn vào năm 2017 và 7.500 tấn vào năm 2018.
Với công suất tối đa 49 triệu tấn, bãi rác Baltar Gebang của thủ đô Jakarta hiện đã chứa tới hơn 39 triệu tấn và chỉ còn vài năm nữa trước khi phải đóng cửa. Báo cáo cũng cho biết rác thải sinh hoạt chiếm khoảng 60% tại đây, trong đó 30% là rác thải nhựa.
Cho tới nay, ứng dụng này đã được tải xuống hơn 8.000 lần, không chỉ bởi người dân thủ đô Jakarta, mà cả cư dân các tỉnh thành khác trong cả nước như Bali, Sumatra, thậm chí ở cả nước ngoài. Trong khi đó, công ty hiện chỉ có khả năng thu gom 1 - 2 tấn chất thải nhựa/ngày và đang đặt mục tiêu nâng khối lượng này lên 10 tấn/ngày khi cơ sở người dùng được mở rộng.