Ông Zhang Zhijian, Phó giáo sư tạiTrường nghiên cứu tài nguyên và môi trường thuộc Đại học Chiết Giang, đã mở trại ruồi từ 3 năm trước nhằm vận dụng kiến thức của ông trong lĩnh vực tái chế vào thực tiễn.
Chia sẻ với tờ Beijing News, ông Zhang có biết loài ruồi lính đen ở giai đoạn ấu trùng giòi đặc biệt thích ăn rác, cặn bã và hoa quả thối. Các chất chuyển hóa của chúng giúp phân hủy rác thải, tạo ra các sản phẩm phụ sau đó được bán làm phân bón và thức ăn cho gia súc. Khi trưởng thành, ruồi chỉ uống nước và sống sót trong khoảng 10 ngày.
Chuyên gia kể lại khi trang trại được thành lập năm 2016, không có người dân bản địa nào sẵn lòng cho ông rác thải nhà bếp của họ. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vận động của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động tái chế, cơ sở của ông hiện nay nhận được đến 12 tấn rác mỗi ngày.
Ông Zhang khẳng định quá trình tái chế thức ăn thừa của ông là sạch sẽ và an toàn bởi ruồi lính đen không mang mầm bệnh hay vi sinh vật gây hại.
Ông đã dựng 13 nhà kính trong năm 2016. Một nhà là nơi chuyên để ủ và nghiền nát rác thải nhà bếp trước khi trộn lẫn với men vi sinh, biến thứ hỗn hợp này trở thành một môi trường ấm áp để trứng ruồi phát triển thành giòi.
Các nhà kính khác lại chứa nhiều dãy khay lớn, được phủ chất thải đã qua xử lý để nuôi giòi. Khí ni-tơ, phốt-pho và các loại dầu thừa trong rác đều được đàn giòi tiêu hóa. Chất thải của chúng có thể làm phân bón hữu cơ để người dân trồng hoa. Trong khi ấu trùng giòi – được bán giá 1.500 USD/tấn – có thể dùng làm thức ăn nuôi gia cầm, chim, cá và tôm.