Thủ tướng Kishida đã đưa ra cam kết như vậy khi phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) diễn ra tại Paris. Nhật Bản giữ cương vị Chủ tịch luân phiên OECD trong năm 2024.
Tại sự kiện này, Thủ tướng Nhật Bản đã đánh giá cao việc các nước trước đó cùng ngày đã khởi động khuôn khổ đối thoại mới, được biết đến là hội nghị "Những người bạn" về Tiến trình AI Hiroshima. Thông qua khuôn khổ mới này, Nhật Bản kêu gọi các nước nhất trí hợp tác để tìm cách ngăn chặn những rủi ro mà công nghệ này có thể gây ra, nhằm đảm bảo đạt được mục đích chung là tận dụng những cơ hội mà AI đem lại một cách an toàn, đảm bảo và đáng tin cậy.
Tiến trình AI Hiroshima là một cơ chế đối thoại cấp chính phủ về các quy định đối với AI. Cơ chế này đã được các nước thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhất trí thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm hồi tháng 5/2023 tại thành phố Hiroshima, miền Tây Nhật Bản. Khuôn khổ đối thoại mới nói trên được thiết lập trong bối cảnh thế giới đang tìm cách sử dụng hiệu quả các công cụ AI tạo sinh đang ngày càng phát triển, trong bối cảnh xuất hiện lo ngại công nghệ này có nguy cơ sản xuất và lan truyền thông tin sai lệch ở một cấp độ mới, theo đó tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn đối với đời sống chính trị xã hội ở các nước.
Ngoài ra, ông Kishida cũng cam kết hợp tác với các nước thành viên khác của OECD trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng hoan nghênh sáng kiến của OECD trong việc thiết lập Diễn đàn về các phương pháp giảm carbon. Đây là cơ chế đối thoại cấp bộ trưởng giúp các nước tăng cường hiểu biết và trao đổi kinh nghiệm về các cách tiếp cận chính sách đối với vấn đề giảm carbon.
Đối với thương mại toàn cầu, Thủ tướng Nhật Bản cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với các nước khác để duy trì và thúc đẩy trật tự kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và công bằng, tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bên cạnh đó, ông Kishida cam kết giúp OECD mở rộng thành viên, để các nền kinh tế khác trên thế giới bao gồm ở Mỹ Latinh, Trung và Đông Âu cũng như Đông Nam Á có thể tham gia tổ chức này.
Pháp là chặng dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo Nhật Bản trong chuyến công du nước ngoài kéo dài 6 ngày vào đầu tháng 5 này, trước khi đến Brazil và Paraguay. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio được cho là đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm thể hiện vai trò chủ động hơn của Tokyo trên trường quốc tế.