Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo quy định, CPTPP - trước khi Mỹ rút khỏi có tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi ít nhất 6 quốc gia tham gia đàm phán hoàn tất các thủ tục phê chuẩn hiệp định. Hiện đã có Mexico hoàn tất các thủ tục này. Quốc hội New Zealand và Australia cũng đang trong tiến trình phê chuẩn hiệp định. Các nước mong muốn hiệp định chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay.
Như vậy, với việc ban hành luật trên, Nhật Bản sẽ vẫn cần ban hành một đạo luật riêng rẽ nhằm triển khai các biện pháp trong nước liên quan đến CPTPP, trong đó hỗ trợ nông dân sẽ chịu tác động cạnh tranh khi hiệp định này có hiệu lực.
Nhật Bản hy vọng sẽ bảo đảm CPTPP có hiệu lực sớm nhất có thể khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang thúc đẩy thương mại tự do trong bối cảnh quan ngại gia tăng về chính sách bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhật Bản cũng đang nỗ lực vận động Mỹ trở lại hiệp định này.
CPTPP được ký kết hôm 8/3 vừa qua tại Chile giữa 11 quốc gia, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định thương mại này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Với cam kết mở cửa thị trường, CPTPP được xem là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.