Các biện pháp khẩn cấp này, trong đó có việc yêu cầu các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng để chuẩn bị cho khả năng Nga cắt nguồn cung, đã được thông qua tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo về các chuỗi cung ứng năng lượng và nguyên vật liệu chiến lược thuộc METI ở Tokyo ngày 31/3.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng METI Koichi Hagiuda nói: “Thay vì chỉ tập trung vào diễn biến gần đây, chúng ta cần nỗ lực trên cơ sở quan điểm toàn diện hơn là theo đuổi sự tồn tại của đất nước và ổn định cuộc sống của người dân”.
Các quan chức METI kết luận Nhật Bản cần phải hành động nhanh chóng để đảm bảo nguồn cung 7 trong số 20 hàng hóa mà nước này vẫn nhập khẩu từ Nga hoặc Ukraine, trong đó có dầu thô, than đá và than cốc, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), palladium, ferroalloy và các loại khí sử dụng trong sản xuất vật liệu bán dẫn.
METI dự định sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng sản xuất ở trong nước, tìm nguồn cung thay thế và phát triển công nghệ để giảm bớt việc sử dụng các nguyên liệu trên. Bên cạnh đó, thông qua Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC), METI sẽ hỗ trợ các nỗ lực mua cổ phần của các dự án năng lượng và kim loại. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ thành lập các liên minh mới với các đồng minh nhằm tăng cường các chuỗi cung ứng toàn cầu về vật liệu bán dẫn.
Năm ngoái, Nga chiếm 9% khí LNG, 3,6% dầu thô, 13% than đá và 8% than cốc mà Nhật Bản nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, Nhật Bản còn phụ thuộc vào Nga và Ukraine về các loại khí trơ như neon - một loại vật liệu trọng yếu trong sản xuất chip (chiếm 6% trong kim ngạch nhập khẩu). Năm 2020, nhập khẩu palladium, ferrochromium và ferrosilicon từ Nga chiếm tỷ lệ tương ứng 43%, 50% và 33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu này của Nhật Bản.