Theo France24.com (Pháp) ngày 10/3, Đức đã bác bỏ lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt và dầu nhập khẩu của Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng áp lực từ các nước phương Tây đang ngày càng tăng nhằm yêu cầu Berlin từ bỏ lợi ích kinh tế để đưa ra lập trường "đạo lý".
Một nhóm các nhà hoạt động khí hậu, học giả và nhà khoa học đã công bố một bức thư ngỏ gửi Chính phủ Đức hôm 9/3 đề nghị ra lệnh cấm hoàn toàn đối với năng lượng của Nga, với lý do "tất cả chúng ta đang tài trợ cho cuộc xung đột này".
Trong một bài báo mới được đăng tải, nhà lập pháp bảo thủ và chuyên gia chính sách đối ngoại Đức Norbert Roettgen cũng cho rằng "hành động đúng đắn duy nhất là ngừng mua dầu khí của Nga ngay lập tức".
"Gần một tỷ Euro (1,1 tỷ USD) đang được đổ vào ngân sách của Nga mỗi ngày, hạn chế các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngân hàng trung ương Nga" và "đối với nhiều người Ukraine, sẽ là quá muộn nếu chúng ta chần chừ lúc này", ông Roettgen viết.
Cho đến hiện tại, Chính phủ của Thủ tướng Scholz vẫn "án binh bất động", lập luận rằng các lệnh trừng phạt không nên tạo nguy cơ gây bất ổn cho các quốc gia áp đặt. Vì Đức nhập khẩu hơn một nửa khí đốt, than đá và khoảng một phần ba lượng dầu mỏ từ Nga, các chuyên gia cho rằng cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để tránh gián đoạn nguồn cung.
"Nếu Đức rơi vào hoàn cảnh các y tá và giáo viên không đến làm việc, do không có điện trong nhiều ngày, Nga sẽ thắng một phần trong cuộc xung đột này, bởi vì Moskva khiến các nước khác rơi vào hỗn loạn", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo.
Nhấn mạnh tình hình bấp bênh của Đức, bà Baerbock thừa nhận rằng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đang "khẩn cấp tìm cách mua than cứng trên toàn thế giới". Các chuyên gia nói rằng một lệnh cấm vận hoàn toàn dầu khí Nga sẽ gây "đau đớn", nhưng không phải là không thể.
Trong một nghiên cứu được công bố trong tuần này, 9 nhà kinh tế Đức cho rằng dầu và than từ Nga có thể thay thế bằng nhập khẩu từ các nước khác, song đối với khí đốt thì vấn đề lại phức tạp hơn.
Nếu khí đốt của Nga không được các nhà cung cấp khác bù đắp đầy đủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp "sẽ phải chấp nhận nguồn cung giảm 30%", và tổng mức tiêu thụ năng lượng của Đức sẽ giảm khoảng 8%, nghiên cứu cho biết.
Theo họ, GDP của Đức có thể giảm 0,2 đến 3% và các lệnh trừng phạt có thể khiến mỗi người Đức thiệt hại từ 80 đến 1.000 Euro một năm, tùy thuộc vào lượng khí đốt của Nga có thể được thay thế.
Viện Hàn lâm Khoa học Đức Leopoldina cũng cho biết việc tạm thời ngừng cung cấp khí đốt của Nga sẽ là một khó khăn nhưng có thể kiểm soát được đối với nền kinh tế Đức, "ngay cả khi hạn chế nguồn cung năng lượng có thể xảy ra trong mùa Đông tới".
Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng trước việc tăng giá và khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, có thể sẽ cần sự hỗ trợ lớn của Chính phủ Đức.