Lý do Đức phản đối Ba Lan gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine

Đức và Mỹ đều cho rằng việc gửi máy bay chiến đấu MiG của Ba Lan tới Ukraine sẽ là một bước leo thang. 

Báo Deutsche Welle (Đức) ngày 9/3 dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Berlin không ủng hộ đề xuất của ​​Ba Lan về việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine thông qua Căn cứ Không quân Ramstein của Mỹ ở Đức.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine. Ảnh: AFP

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Scholz nêu rõ Đức đã gửi vũ khí phòng thủ và hỗ trợ tài chính "đáng kể" cũng như viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

"Ngoài điều đó, chúng tôi phải suy nghĩ rất kỹ về những gì chúng tôi sẽ làm và điều này chắc chắn không bao gồm máy bay chiến đấu", ông Scholz nói.

Hôm 8/3, Ba Lan đã tiết lộ kế hoạch chuyển 28 máy bay chiến đấu MiG-29 của họ, vốn rất quen thuộc với các phi công Ukraine, đến căn cứ không quân Mỹ ở Đức.

Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp cho Ba Lan các máy bay phản lực do Mỹ sản xuất có "khả năng tương ứng", chẳng hạn như F-16 vốn đã là trụ cột của lực lượng không quân Ba Lan. Tuy nhiên, kế hoạch của Ba Lan ngay lập tức bị Lầu Năm Góc bác bỏ.

Mặc dù việc chuyển giao MiG-29 sẽ là động lực khích lệ tinh thần cho Ukraine, nhưng nó cũng có nguy cơ dẫn đến khả năng chiến tranh lan rộng ra cả nước. 

Nga đã cảnh báo các quốc gia và bên khác không tham gia vào cuộc xung đột. Điện Kremlin tuyên bố việc Ba Lan cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine là "một kịch bản tiềm ẩn nguy hiểm".

Một câu hỏi khác đặt ra là liệu những máy bay này có đủ ảnh hưởng đến quá trình chiến đấu của Ukraine hay không. Số lượng máy bay tương đối ít và MiG-29 cũng thua kém các máy bay hiện đại hơn của Nga. Chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các phi công và tên lửa Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng lên tiếng chỉ trích những điều mà ông gọi là "những lời hứa" không có cơ sở của phương Tây trong việc bảo vệ Ukraine. Ông Zelensky cho biết những đảm bảo mà phương Tây đưa ra đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Công Thuận/Báo Tin tức
Chi tiêu quốc phòng của Đức tăng 35,8% sau 30 năm
Chi tiêu quốc phòng của Đức tăng 35,8% sau 30 năm

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, từ năm 1991 đến năm 2021, chi tiêu quốc phòng của Đức đã tăng 35,8% lên 38,7 tỷ euro (42,6 tỷ USD).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN