Kênh DW (Đức) cho biết F-35 đang nằm trong tầm ngắm của Đức bởi tiêm kích này được coi là chiến đấu cơ đa nhiệm tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Quân đội Đức có nhu cầu mua F-35 để thay thế 45 chiếc Tornado đã “có tuổi”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong tháng 2 phát biểu trước quốc hội liên bang: “F-35 được coi là chiến đấu cơ trên tàu sân bay. Chúng ta cần những chiến đấu cơ, chiến hạm và binh sĩ được trang bị đầy đủ cho các sứ mệnh”.
Phát biểu của ông Olaf Scholz khiến nhiều nghị sĩ và chuyên gia an ninh khác bất ngờ. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz trong liên minh cầm quyền cùng đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong 8 năm cho đến 2021, qua quãng thời gian này, đảng SPD thường chặn các dự án vũ khí lớn.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner thuộc đảng FDP cũng nhấn mạnh: “Mục iêu của chúng tôi là sở hữu một trong những quân đội hùng mạnh và năng lực nhất châu Âu trong thập niên này”. Vào cuối Chiến tranh Lạnh, quân đội Đức bắt đầu tập trung vào các sứ mệnh ở nước ngoài. Nhưng nay vai trò của quân đội Đức lại xoay quanh chủ trương trang bị để phòng vệ trong nước và các đồng minh lân cận.
Ngoài F-35, quân đội Đức còn quan tâm đến Hệ thống tác chiến trên không tương lai (FCAS) là chiếc chiến đấu cơ Đức đang bắt tay với Pháp phát triển. Bên cạnh đó còn có trực thăng vận tải hạng nặng và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot hiện đại. Máy bay không người lái trang bị vũ khí và chiến hạm hiện đại cũng nằm trong danh sách.
Nhưng chuyên gia an ninh Claudia Major phân tích rằng khó có khả năng quân đội Đức sẽ lập tức “vung tiền” mua sắm.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1990, quân đội Đức bị thu hẹp đáng kể. Mặc dù ngân sách dành cho quân đội Đức đã tăng lên hơn 46 tỷ euro, thì lực lượng này vẫn bị thiếu hụt về vật chất và thiết bị. Kế hoạch mua các hệ thống vũ khí chính như máy bay vận tải, trực thăng và tàu chiến đã nhiều lần bị đình trệ. Và quân đội Đức cũng không thể lập kế hoạch về dài hạn.
Ngoài ra, quân đội Đức vẫn còn nhiều nhu cầu cơ bản cần đáp ứng như thiếu đạn dược và quân trang. Ủy viên quốc phòng Eva Högl từng báo cáo về tình trạng binh lính Đức phục vụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Litva thiếu áo khoác dày trong mùa Đông để giữ ấm. Điều này được coi là bất ngờ đối với một trong những quốc gia có kinh tế lớn nhất trên thế giới như Đức.
Nhưng không chỉ có vấn đề về tài chính. Trong quá khứ, việc mua sắm vũ khí và vật liệu của quân đội Đức thường tổ chức kém và bị đình trệ do bộ máy quan liêu quá mức. Một ví dụ là đơn đặt hàng 120.000 khẩu súng trường chiến đấu được sản xuất vào năm 2015 đã rơi vào một cuộc chiến pháp lý và vẫn chưa được thông qua.