Thế khó của EU liên quan đến dầu khí nhập từ Nga

Xung đột càng làm đảo lộn thị trường năng lượng, thì việc tách khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga càng trở nên khó khăn hơn với châu Âu.

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com ngày 29/3, sau nhiều ngày cân nhắc về các lệnh trừng phạt năng lượng, Hội đồng châu Âu tuần trước đã quyết định không cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga, thay vào đó, họ chỉ chọn khắc phục những "lỗ hổng" trong các lệnh trừng phạt trước đó.

Chú thích ảnh
Xung đột Nga-Ukraine đang làm đảo lộn thị trường năng lượng châu Âu. Ảnh: Reuters

Kết quả là tình huống trớ trêu tiếp tục diễn ra: Trong khi EU phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, khối này tiếp tục chi hàng triệu Euro (hoặc có thể là rúp, như Moskva đã yêu cầu) để nhập khí đốt và dầu từ Nga.

Bất chấp những chỉ trích với Moskva và thể hiện tình đoàn kết với Ukraine, nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu từ Nga.

Một vấn đề mà các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý là châu Âu “sẽ loại bỏ dần sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than nhập khẩu của Nga càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, EU vẫn không thể đưa ra một thời điểm cụ thể. Chắc chắn, sự phụ thuộc này sẽ không thể kết thúc trong tương lai gần.

Mối quan tâm chính của châu Âu liên quan đến sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga là nguồn cung cấp khí đốt. 45% khí đốt của EU nhập từ Nga, trong khi thị trường quốc tế đang thiếu nguồn cung và chi phí thì đắt đỏ.

Nhưng không giống như khí đốt, chủ yếu được nhập khẩu vào EU qua đường ống, dầu được vận chuyển chủ yếu bằng các tàu chở dầu đến các cảng của EU, khiến việc thay đổi nhà cung cấp có thể dễ dàng hơn.

Mỹ và Anh đã tuyên bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, với lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực ngay lập tức và của Anh vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, với các nhà lãnh đạo EU, lệnh cấm như vậy khó trở thành hiện thực. Đặc biệt, Đức lo ngại rằng điều này sẽ gây thiệt hại quá lớn đối với người dân và doanh nghiệp châu Âu. 

Đây chính là thế khó trong chính sách năng lượng của EU: xung đột càng làm đảo lộn thị trường năng lượng, thì việc tách khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga càng trở nên khó khăn hơn. Việc cấm nhập khẩu năng lượng Nga sẽ làm tăng giá trong bối cảnh các chính phủ ở châu Âu đang phải vật lộn với vấn đề kiềm chế lạm phát và sự tức giận của công chúng ngày càng tăng.

Trước hội nghị thượng đỉnh EU, các chính trị gia châu Âu chắc chắn đã chứng kiến ​​sự bất ổn do giá năng lượng tăng cao ở Tây Ban Nha. Để phản ứng với chi phí sinh hoạt leo thang và giá xăng, dầu diesel tăng chóng mặt, các tài xế xe tải đã kêu gọi một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 14/3.

Trước nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình như vậy trên khắp EU, các chính trị gia châu Âu đang tìm cách hạ nhiệt, thay vì gây hoảng loạn thị trường năng lượng nếu cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Các nhà lãnh đạo EU hiện đang đối mặt với tình huống khó xử là liệu có nên làm dịu tác động của cuộc khủng hoảng giá đối với người  dân châu Âu, trong khi điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục chi hàng tỷ Euro cho nhiên liệu hóa thạch của Nga. Câu trả lời cho vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng được bầu lại đối với nhiều chính trị gia châu Âu.

Vì vậy, châu Âu không còn cách nào khác ngoài việc ủng hộ Ukraine bằng những tuyên bố và hỗ trợ trong một số lĩnh vực, nhưng gián tiếp tài trợ cho nền kinh tế Nga thông qua mua năng lượng với hy vọng xoa dịu thị trường, doanh nghiệp và người dân. 

Những hành động như vậy có thể giữ cho giá năng lượng ở mức ổn định, nhưng tổn thất về mặt "đạo đức" với EU sẽ tăng lên.

Công Thuận/Báo Tin tức
Các nước Đông Âu bất đồng quan điểm về cuộc xung đột Nga-Ukraine
Các nước Đông Âu bất đồng quan điểm về cuộc xung đột Nga-Ukraine

Hungary hủy một cuộc họp thượng đỉnh sau khi Ba Lan và Séc từ chối tham dự do phản ứng thận trọng của Budapest với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN