Diễn biến này xuất hiện tại thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn hồi phục sau đại dịch COVID-19, cùng với đó là nguy cơ bùng phát lạm phát. Hệ quả là nhiều nước, nhất là Mỹ và các nước Tâu Âu, đang phải khẩn thiết tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ, khí đốt bổ sung. Số này đang hướng tới Venezuela như là một nhà cung cấp lớn.
Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 303,5 tỉ thùng. Quốc gia Nam Mỹ này cũng có nguồn lợi khí đốt dồi dào. Do cấm vận, trừng phạt của Mỹ và phương Tây và nhiều khó khăn về kinh tế, Venezuela chỉ đạt mức sản lượng 512.000 thùng/ngày trong năm 2020, chưa bằng 1/7 so với mức sản lượng đỉnh 3,5 triệu thùng/ngày từng ghi nhận được trong năm 1998.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Venezuela suy giảm 28% trong năm 2019 và 30% năm 2020. Đó là thời điểm giá dầu lao dốc trên thị trường do tác động của đại dịch COVID-19. Có một số tin hiệu cho thấy Venezuela đã chạm đáy khủng hoảng kinh tế và dần chuyển sang bước phục hồi. GDP nước này đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2021, với các ước đoán dao động từ 0,5-4%.
Diễn biến này cho thấy các lệnh trừng phạt của Mỹ không đạt hiệu quả. Cấm vận của Mỹ và phương Tây đẩy chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đi tới quyết định xây dựng quan hệ thân thiết với các quốc gia được xem là đối địch với Mỹ như Nga, Trung Quốc hay Iran.
Vẫn còn đó thế lực, tiếng nói phản đối việc ông Biden dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt hiện hành chống Venezuela. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy giảm cấm vận là nhu cầu khẩn thiết. Có dấu hiệu cho thấy Washington đang xem xét cho phép Chevron - tập đoàn dầu mỏ lớn duy nhất còn có hoạt động ở Venezuela, khôi phục khai thác dầu khí tại quốc gia Nam Mỹ này.
Để xem xét nới trừng phạt, Chính quyền Mỹ yêu cầu Tổng thống Maduro tái khôi phục đàm phán với phe đối lập ở Venezuela, sau khi hai bên ngừng các cuộc tiếp xúc ở Mexico hồi năm ngoái.
Washington cũng đòi ông Maduro phải đưa ra cam kết về một kỳ bầu cử tổng thống tự do và công bằng dự kiến được tổ chức trong năm 2024.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy nhà lãnh đạo Maduro sẵn sàng chấp thuận những giải pháp như vậy. Ngay cả sáng kiến được coi là cử chỉ hòa hoãn của ông Biden về việc cho phép Venezuela nối lại xuất khẩu dầu thô hạn chế sang Tây Âu với quy trình để trả nợ cũng đã bị ông Maduro chối từ.
Việc Mỹ buộc phải tìm kiếm nguồn cung dầu mỏ, khí đốt thay thế giữa khủng hoảng năng lượng toàn cầu và xu thế nền kinh tế Venezuela dần thoát khỏi sụp đổ là tác nhân chính giúp tăng cường vị thế cho Tổng thống Maduro. Kết hợp với ủng hộ của Nga, Trung Quốc, Iran, ông Maduro nhận thấy không cần phải quá vội vã chấp nhận các điều khoản mà Washington đặt ra.
Với những lý do trên, bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Tổng thống Joe Biden về giảm, nới lỏng trừng phạt, mở đường để các công ty nước ngoài khai thác dầu thô ở Venezuela đều sẽ không thu được kết quả như mong đợi. Ông Biden cũng sẽ vấp phải phản đối ngay trong nội bộ Mỹ. Thực tế này cho thấy Venezuela sẽ chưa thể quay trở lại vị thế của một nhà sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới trong tương lai gần.