Công tác khắc phục sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima 1 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tìm mọi cách để ngăn chặn những tác động của việc rò rỉ phóng xạ từ nhà máy trên đối với môi trường bên ngoài. Trong bối cảnh đó, ngày 31/3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cho rằng nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 sẽ phải ngừng hoạt động, đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu lại các kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân cho tới năm 2030, trong đó dự kiến hoàn thành 9 lò phản ứng vào năm 2020.
Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy lò phản ứng số 3 và 4 của nhà máy Fukushima 1 bị hư hại nghiêm trọng. |
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tới Nhật Bản để thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan về khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima số 1. Đây là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhật Bản kể từ sau thảm họa động đất hôm 11/3 kéo theo sóng thần quét qua khu vực duyên hải ở đông bắc nước này và làm hư hại các cơ sở hạt nhân tại đây.
Trong khi đó, các số liệu quan trắc mới nhất do Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Quốc gia (NISA) của Nhật Bản công bố sáng 31/3 cho thấy nồng độ đồng vị phóng xạ iodine-131 trong nước biển gần nhà máy Fukushima 1 hiện vẫn cao hơn 4.385 lần so với giới hạn tối đa cho phép. Theo Công ty Điện lực Tôkyô (TEPCO), có khả năng nước sử dụng làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân hoặc lò phản ứng chính là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng nồng độ phóng xạ trong nước biển ở các khu vực xung quanh tăng cao. TEPCO vẫn chưa rõ nước làm mát này đã chảy ra biển theo con đường nào.
Tuy nhiên, người phát ngôn của NISA, Hidehiko Nishiyama, thừa nhận có khả năng phóng xạ đang tiếp tục rò rỉ vào nước biển, nhưng cũng cho biết nước nhiễm phóng xạ không gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe con người do thời gian tồn tại của phóng xạ iốt 131 rất ngắn và đại dương rộng lớn sẽ nhanh chóng giúp xóa đi mối lo ngại này. Các chuyên gia hàng đầu về xử lý rác thải hạt nhân của tập đoàn năng lượng hạt nhân Areva (Pháp) đã được TEPCO mời tới Nhật Bản để hỗ trợ khắc phục hậu quả.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã quyết định cử một chuyên gia môi trường biển tới tỉnh Fukushima để phân tích nước biển xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Như vậy, IAEA đã cử 15 chuyên gia tới Nhật Bản để đo mức phóng xạ trong không khí, thực phẩm và đất ở tỉnh Fukushima và thủ đô Tôkyô.
Trong khi đó, Phó Giám đốc IAEA Denis Flory, đồng thời là Trưởng Ban an toàn - an ninh hạt nhân IAEA, cho biết mức phóng xạ tại một ngôi làng nằm ngoài vùng sơ tán của Nhật Bản cao gấp đôi mức an toàn để sinh sống. Các xét nghiệm tại chỗ cho thấy mức phóng xạ tại làng Iitate, cách nhà máy Fukushima 1 gần 40 km về phía tây bắc, đã vượt mức an toàn. Các nhà chức trách Nhật Bản cho biết vùng này đã được kiểm tra, đồng thời thông báo chưa có kế hoạch mở rộng phạm vi khu vực sơ tán.
Cùng ngày 31/3, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi 15 nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc ngừng áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu các sản phẩm nông sản và thủy sản của Nhật Bản vì lo ngại nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng các biện pháp trên của các nước là "quá mức", không có căn cứ khoa học và không phù hợp với các quy định quốc tế. Lý do các nước đưa ra là lo ngại các sản phẩm nông sản và thuỷ sản của Nhật Bản bị nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế bang New York (Mỹ) cho biết một lượng rất nhỏ phóng xạ iốt được cho là phát tán từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, đã được phát hiện trong không khí và nước mưa ở New York, nhưng không đe dọa sức khỏe của người dân. Dấu vết các chất phóng xạ được cho là xuất phát từ Nhật Bản cũng được phát hiện thấy tại nhiều nơi khác như Hawaii, California, Nevada, Florida và Massachusetts.
Ủy ban Điều phối ứng phó khẩn cấp sự cố hạt nhân (Trung Quốc) cũng cho biết một lượng rất nhỏ phóng xạ iốt đã được phát hiện trong không khí tại 18 tỉnh, thành của nước này, nhưng không ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.
Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản) - Quang Minh