Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.100 khách hàng có ít nhất 5 triệu nhân dân tệ (727.268 USD) tài sản có thể đầu tư tại ngân hàng tư nhân China Merchants Bank. Kết quả cuộc khảo sát đã cho thấy thái độ của những người Trung Quốc có thu nhập cao trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của đất nước.
Cụ thể, một số người vô cùng giàu có của Trung Quốc đã quyên góp hàng chục tỷ USD sau lời kêu gọi “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2021. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các doanh nhân giàu có ở cấp độ trung bình cảm thấy như thế nào về chiến dịch này.
Theo khảo sát do China Merchants Bank và Viện Nghiên cứu Hoạt động từ thiện Trung Quốc (CPRI) thực hiện vào năm 2021 – 2022, khoảng 2/3 số người được hỏi cho biết họ muốn tăng số tiền từ thiện hoặc tiếp tục quyên góp phù hợp với tình hình tài chính trong 10 năm tới.
Đối với gần 20% những người chưa từng làm từ thiện, báo cáo cho biết những lý do chính khiến họ chưa hành động là “không thể tìm thấy kênh đáng tin cậy” và “không biết về chính sách” này.
Khoảng 75% cho biết họ chưa lập quỹ gia đình chủ yếu do thiếu thông tin về cách thực hiện.
Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết các khoản quyên góp được trao trực tiếp cho người nghèo, trong khi các phương thức phổ biến khác là thông qua tổ chức từ thiện hoặc thông qua cơ quan chính phủ.
Ông Wang Zhenyao, Giám đốc CPRI, cho biết sự hào phóng ngày càng tăng của giới nhà giàu Trung Quốc là kết quả của sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, tích lũy tài sản cá nhân tăng nhanh, cũng như môi trường pháp lý cho hoạt động từ thiện cải thiện được cải thiện trong những năm gần đây.
“Khi sáng kiến thịnh vượng chung mở ra và kế hoạch phân phối thứ ba được cải thiện, sẽ có nhiều khoản quyên góp siêu lớn và thường xuyên hơn ở Trung Quốc”, ông Zhenyao dự đoán trong báo cáo.
Ông cho biết trong khoảng thời gian 2011 - 2021, có trên 300 người giàu đã làm từ thiện hơn 100 triệu nhân dân tệ trong vòng một năm, 38 trường hợp quyên góp từ thiện hơn 1 tỷ nhân dân tệ và 7 trường hợp từ thiện 10 tỷ nhân dân tệ.
Khoảng 20% triệu phú tham gia khảo sát cho biết họ đã quyên góp số tiền trị giá hơn 1 triệu nhân dân tệ.
Báo cáo cho biết về mặt địa lý, khoảng 60% các nhà tài trợ này chọn hỗ trợ các khu vực nghèo đói. Xóa đói giảm nghèo là lĩnh vực mà hầu hết các nhà tài trợ muốn đóng góp, tiếp theo là giúp đỡ người già, trẻ mồ côi, bệnh tật và tàn tật, cứu trợ thiên tai và cứu hộ khẩn cấp.
Trước đó, trong bài phát biểu ngày 17/8/2021 trước Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: “Thịnh vượng chung là yêu cầu cần thiết của chủ nghĩa xã hội và là một đặc điểm của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Ông đã nhắc tới cụm từ “thịnh vượng chung” 15 lần trong bài phát biểu, khiến nó trở thành một “thần chú” được các quan chức và truyền thông Trung Quốc nhắc lại nhiều lần kể từ đó.
Theo People’s Daily, mục tiêu thịnh vượng chung là xây dựng một Trung Quốc bình đẳng hơn bằng cách tăng tỷ lệ nhóm có thu nhập trung bình, tăng thu nhập của nhóm thu nhập thấp, điều chỉnh hợp lý thu nhập cao và cấm các nguồn thu bất hợp pháp.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng mục tiêu thịnh vượng chung có thể giải quyết khoảng cách giàu nghèo của nước này, vốn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Một quan chức cấp cao của CCP nói rằng thịnh vượng chung không có nghĩa là “lấy của người giàu chia cho người nghèo”.
Học giả Sung Wen-Ti tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời cũng phân phối lại của cải để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.