Quan chức Trung Quốc đẩy mạnh công du nước ngoài để tìm nhà đầu tư

Chỉ tính từ tháng 12/2022, các phái đoàn lớn gồm các quan chức thành phố và doanh nghiệp Trung Quốc đã triển khai hàng trăm chuyến công tác tới châu Á và châu Âu, tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chính quyền địa phương thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng và việc làm.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo từ các tài khoản mạng xã hội chính thức cũng như những nguồn tin thân cận, các quan chức địa phương cùng với đại diện các doanh nghiệp đã ra nước ngoài với tần suất nhiều hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thông báo dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 và mở cửa lại biên giới.

Theo hãng tin Reuters, các phái đoàn địa phương đã thực hiện các chuyến công tác đến các địa điểm khác nhau chỉ trong vòng vài ngày sau khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Một nguồn tin đã gặp các quan chức Trung Quốc tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sự khẩn trương của những chuyến công tác này đã phản ánh rõ những áp lực mà các chính quyền địa phương phải đối mặt trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong khi phải gánh khoản nợ chồng chất lên tới 9.000 tỷ USD.

“Rõ ràng có áp lực đối với mọi cấp chính quyền trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng cao”, Erik Yim, một nhà lập pháp đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hong Kong, cho hay.

Ông Yim giải thích thêm căng thẳng địa chính trị và cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng góp phần thúc đẩy các đoàn địa phương “năng” đi công tác tại nhiều quốc gia hơn.

Tuần trước, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nền kinh tế thứ 2 thế giới luôn mở cửa đối với các hoạt động kinh doanh. Cũng tại sự kiện, nhà chức trách tuyên bố sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân.

Mặc dù Trung Quốc chọn mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là 5%, thấp hơn so với mục tiêu 5,5% mà nước này đã bỏ lỡ vào năm ngoái do các biện pháp phong tỏa ngăn COVID-19, song về khía cạnh việc làm, Trung Quốc muốn tạo thêm một triệu việc làm so với mục tiêu năm 2022.

Tại Hong Kong, sau khi gặp các quan chức Trung Quốc, hai giám đốc điều hành có tiếng tại đặc khu hành chính này cho biết quyết tâm của các phái đoàn đại lục đang lớn hơn bao giờ hết để đảm bảo đầu tư cho các dự án từ cảng và công nghệ sinh học đến nghệ thuật và thể thao.

“Trung Quốc cần vốn nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế của mình. Tôi chưa bao giờ được nhiều người tiếp cận trong một khoảng thời gian ngắn như vậy trước đây và cả những người ở các cấp độ cao như vậy”, một giám đốc điều hành giấu tên chia sẻ.

Ông Yim cho hay mình cùng với một số giám đốc điều hành Hong Kong thường tham dự từ 8 đến 10 sự kiện mỗi ngày với các quan chức Trung Quốc.

Trong một đoạn phim do chính quyền tỉnh Giang Tô đăng tải trực tuyến, một phái đoàn Trung Quốc gồm 200 người đã hô vang những khẩu hiệu như "Nhận đơn đặt hàng mới, mở rộng thị trường" trước khi lên máy bay riêng tới châu Âu lúc 1 giờ sáng ngày 9/12/2022.

Thời điểm phái đoàn khởi hành chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19. Theo các đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội Douyin, tại châu Âu, phái đoàn này tổ chức hơn 230 cuộc họp thương mại.

Cho đến nay, một số địa phương đã báo cáo được một số thành tựu hợp đồng từ các chuyến đi.

Trong một thông báo vào tuần trước, các quan chức tỉnh Quảng Tây tuyên bố đã giành được khoản đầu tư từ Hazemag - một công ty giải pháp xây dựng của Đức.

Thành phố Phủ Điền (tỉnh Phúc Kiến) cho biết họ đã ký 13 thỏa thuận trị giá 21,8 tỷ nhân dân tệ (3,2 tỷ USD) cho các dự án trong các lĩnh vực như năng lượng mới, tài chính và thời trang, trong các chuyến thăm Singapore, Indonesia và Hong Kong.

Fengze, một quận ở thành phố Tuyền Châu, cũng thành công ký hợp đồng mua sắm lên tới 30 tỷ nhân dân tệ từ các doanh nghiệp Hong Kong.

Thành phố Vô Tích, gần trung tâm thương mại Thượng Hải, đã tổ chức 85 buổi lễ ký kết các thỏa thuận trị giá 156 tỷ nhân dân tệ trong chuyến đi kéo dài 7 ngày tới Hong Kong, Ma Cao và Thâm Quyến.

Chỉ tính trong quận Bác Ngao, Thâm Quyến, 26 giám đốc kinh doanh và 10 quan chức địa phương đã cam kết đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ nhân dân tệ đầu tư nước ngoài trong năm nay.

"Năm nay, Thâm Quyến sẽ làm mọi thứ có thể để thu hút đầu tư, thu hút các dự án, thu hút tiến độ. Tăng trưởng ổn định là ưu tiên hàng đầu", Nhân dân Nhật báo dẫn lời Bí thư thành ủy Meng Fanli.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Hệ thống đặt vé đường sắt BRI của Trung Quốc chấm dứt việc sử dụng đồng USD
Hệ thống đặt vé đường sắt BRI của Trung Quốc chấm dứt việc sử dụng đồng USD

Trung Quốc vừa phát triển một hệ thống bán vé tàu đối với tuyến đường sắt thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hợp nhất cùng với các nền tảng bán vé khác nhau ở hơn 140 quốc gia trên một ứng dụng điện thoại thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN