Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây ra dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) mà các bệnh viện tại châu Âu phải đón nhận đã tăng lên con số hàng chục nghìn người, cuộc khủng hoảng y tế đã phơi bày một nghịch lý: một trong số những hệ thống y tế tốt nhất thế giới lại không sẵn sàng trước cuộc chiến chống đại dịch.
Theo hãng tin AP, các chuyên gia lý giải hệ thống y tế lấy bệnh nhân làm trung tâm, thiếu kinh nghiệm xử lý trong tình huống xảy ra dịch bệnh và sự chủ quan là một phần nguyên nhân dẫn tới tình cảnh các bệnh viện tại châu Âu thất thủ trước COVID-19.
“Trong hơn 100 năm trở lại đây, châu Âu chưa từng đối mặt với một đại dịch nghiêm trọng như thế này, và giờ họ không biết phải làm như thế nào”, ông Brice de le Vingne – người đứng đầu chiến dịch chống COVID-19 của tổ chức Bác sĩ không biên giới tại Bỉ - giải thích.
Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội ngặn chặn dịch bệnh lây lan, nhấn mạnh các quốc gia vốn dĩ đã phải hành động quyết liệt hơn, bao gồm thực hiện các biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hơn từ hai tháng trước.
Chuyên gia De le Vingnre cùng các đồng nghiệp cho rằng cách tiếp cận ban đầu của châu Âu trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 quá lỏng lẻo, không thực hiện các biện pháp căn bản khi dịch bệnh xảy ra như biện pháp theo dõi liên lạc - quá trình xác định những người có thể tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, từ đó xác định virus lây lan từ đâu và như thế nào.
Trong những lần dịch Ebola bùng phát trước đây, bao gồm lần gần đây nhất tại Congo, các quan chức đều thực hiện công bố số liệu hàng ngày về những người tiếp xúc, ngay cả số liệu tại những ngôi làng hẻo lánh bị tê liệt do các cuộc tấn công vũ trang. Cuối năm 2019, khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, Trung Quốc cũng điều động một đội ngũ gồm khoảng 9.000 nhân viên y tế tìm hàng nghìn người có nguy cơ tiếp xúc ở Vũ Hán mỗi ngày.
Nhưng tại Italy, trong một số trường hợp, các quan chức để cho bệnh nhân tự báo cho những người có tiếp xúc gần rằng họ dương tính với virus SARS-CoV-2 và chỉ kiểm tra qua điện thoại. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Anh từ chối tiết lộ số lượng nhân viên y tế được điều động để điều tra theo dõi liên lạc.
“Chúng ta thực sự rất giỏi theo dõi liên lạc, nhưng vấn đề là những gì chúng ta làm là chưa đủ”, Tiến sĩ Bharat Pankhania – bác sĩ chuyên bệnh truyền nhiễm tại Đại học Exeter (Anh) – cho biết.
Khi các ca nhiễm mới tại Anh bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh từ đầu tháng Ba, Tiến sĩ Pankhania và các đồng nghiệp đã khẩn thiết yêu cầu các trung tâm đường dây nóng chuyển thành trung tâm theo dõi liên lạc. Tuy nhiên, yêu cầu đó chưa bao giờ được đáp ứng và nước Anh đã đánh mất cơ hội.
Ông Pankhania cho biết thêm mặc dù Anh có chuyên môn rất cao trong việc điều trị các bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, như viêm phổi nặng, nhưng thực tế lại có quá ít giường bệnh để đáp ứng số lượng bệnh nhân quá tải trong đại dịch.
Không chỉ vậy, tại một số quốc gia châu Âu khác, các nhân viên và hệ thống y tế không có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc luân phiên.
“Một trong những vấn đề gặp phải là bác sĩ Italy chịu nhiều rất nhiều áp lực khi phải quyết định bệnh nhân nào được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực khi mà bình thường, họ chỉ cần đẩy bệnh nhân vào phòng. Rất nhiều người không có kinh nghiệm xử lý khi kịch bản đại dịch xảy ra”, Robert Dingwall – chuyên gia nghiên cứu các hệ thống y tế trên khắp châu Âu làm việc tại Đại học Nottingham Trent - giải thích.
Đại dịch COVID-19 cũng phơi bày một điểm yếu khác trong mô hình hoạt động của hệ thống y tế phương Tây.
“Hệ thống chăm sóc sức khỏe phương Tây được hình thành dựa trên mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm, trong khi đại dịch yêu cầu thay đổi sang mô hình cộng đồng làm trung tâm”, các bác sĩ tại Bergamo – vùng tâm dịch tại Italy – đề cập trong bài viết đăng trên tạp chí khoa học NEJM Catalyst Innovations.
Mô hình chăm sóc lấy cộng đồng làm trung tâm thường xuất hiện ở các quốc gia châu Phi hoặc châu Á. Tại đây, các bệnh viện chỉ dành riêng cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng nhất, trong khi các bệnh nhân khác sẽ được cách ly và chữa trị tại các cơ sở cơ bản có phương thức hoạt động tương tư các bệnh viện dã chiến. Một khi dịch bệnh bùng phát, nếu so sánh mức độ hiệu quả trong việc điều trị số lượng lớn bệnh nhân cùng một lúc, mạng lưới bác sĩ gia đình hùng mạnh tại châu Âu không thể ngang bằng với đội quân nhân viên y tế chuyên về các biện pháp kiểm soát dịch – một lực lượng thường sẵn có tại các quốc gia đang phát triển đã quá quen với những chiến dịch y tế diện rộng.