Đây là nhận định được đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature số ra ngày 19/5.
Tại khu vực Bắc Cực, các vụ cháy xảy ra thường do sét đánh hoặc do con người, song nhiều năm trở lại đây ngày càng có nhiều vụ cháy rừng vào mùa xuân xuất phát từ lớp tro trong đất, tàn dư của đám cháy mùa hè trước đó. Những vụ cháy này được gọi là "zombie" bởi chúng âm ỉ, dai dẳng "qua mùa đông" và có thể hồi sinh, bùng phát trở lại ngay cả khi nhiệt độ bên ngoài giảm xuống mức dưới 0 độ C. Ví dụ điển hình cho hiện tượng này là các vụ cháy rừng ở Siberia hồi năm 2020.
Theo nghiên cứu trên, những đám cháy "qua mùa đông" tương đối hiếm gặp ở khu vực rừng phương bắc (boreal forest) bởi trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2018, diện tích rừng bị thiêu hủy do những đám cháy này chỉ chiếm 0,8% tổng diện tích rừng bị cháy. Tuy nhiên, các vụ cháy này đặc biệt tăng lên vào mùa hè với tần suất khác nhau tùy theo nhiệt độ của mùa hè, cho thấy nguy cơ các đám cháy kiểu này có thể xảy ra nhiều hơn khi nhiệt độ tăng lên. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ ở các vùng cực đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với các vùng khác trên toàn cầu và năm 2020 được ghi nhận là năm nhiệt độ Bắc Cực cao thứ hai từ trước tới nay.
Giáo sư Sander Veraverbeke, thuộc Đại học Vrije, Amsterdam, Hà Lan và là đồng tác giả nghiên cứu trên, lần đầu tiên chứng kiến đám cháy "qua mùa đông" khi đang nghiên cứu về những đám cháy do sét đánh vào mùa hè năm 2014 và 2015. Ông tiếp tục quan sát các hình ảnh vệ tinh vào những năm sau đó và bất ngờ nhận thấy những đám cháy mới lại bùng phát từ dấu vết đám cháy cũ của năm trước đó. Trong khi đó, ông Randi Jandt, đồng tác giả nghiên cứu trên và làm việc tại Đại học Alaska, đã từng nghiên cứu một vụ cháy nổi tiếng hồi năm 1941, bùng phát từ tàn tro của các động cơ hơi nước và tái diễn sau đó 1 năm.
Giáo sư Veraverbeke nhận định có thể dự đoán địa điểm tái bùng phát những đám cháy "zombie" bằng cách theo dõi đường rìa của các đám cháy lớn xảy ra vào năm trước, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, Giáo sư Veraverbeke thừa nhận do ngân sách eo hẹp, lực lượng cứu hỏa sẽ chỉ can thiệp nếu cuộc sống và tài sản của con người bị đe dọa. Bên cạnh đó, nhà chức trách cũng thường chủ quan, không để ý tới những đám cháy kiểu này.