Theo Bloomberg, một đợt bùng phát viêm phổi do khuẩn Mycoplasma gây ra, thường là một bệnh nhiễm trùng nhẹ, đã tấn công hàng triệu trẻ em vào nửa cuối năm 2023, làm sống lại ký ức COVID-19 và làm dấy lên lo ngại về một mầm bệnh mới. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết mối nguy hiểm tiềm ẩn thực sự đứng sau làn sóng lây nhiễm này là sự gia tăng của siêu vi khuẩn, được tạo ra bởi tình trạng kháng thuốc hình thành trong nhiều năm và khiến các loại kháng sinh trở nên kém hiệu quả hơn.
Rachel Qiao có con gái một tuổi rưỡi bị sốt, ho và sổ mũi vào thời điểm Bắc Kinh vẫn nóng oi ả. Ban đầu, cô bé được chẩn đoán nhiễm khuẩn mycoplasma. Tuy nhiên, thông thường loại khuẩn này chỉ gây ra hiện tượng viêm phổi nhẹ và không đáng lo ngại. Đặc biệt, các quốc gia khác cũng ghi nhận những ca mắc tương tự sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch.
Bác sĩ đã kê đơn thuốc kháng sinh azithromycin, tuy nhiên cô bé không đáp ứng với phác đồ điều trị. Phổi của cô bé tiếp tục bị tổn thương và sau đó cô bé phải chuyển sang liều tiêm tĩnh mạch, với kháng sinh mạnh hơn và cùng các loại thuốc khác để chưa tình trạng viêm phát triển quanh tim.
Con gái của Rachel là một trong những bệnh nhi đầu tiên trong đợt bùng phát bệnh viêm phổi do mycoplasma ở Trung Quốc. Nhiều ca bệnh tương tự được ghi nhận: thuốc kháng sinh không có tác dụng với tình trạng nhiễm nhùng, khiến họ bị viêm phổi nặng và buộc các bác sĩ phải kê đơn thuốc mạnh hơn.
Trong khi các nhà chức trách hiện cho biết các bệnh về đường hô hấp có xu hướng giảm đáng kể, các bậc cha mẹ vẫn lo lắng khi thời tiết lạnh hơn đang đến. Thời gian chờ đợi để khám bệnh tại các cơ sở y tế nhi khoa hàng đầu của Trung Quốc vào tháng trước đã kéo dài hơn 7 tiếng đồng hồ do quá tải, buộc một số phụ huynh phải mang máy móc và túi truyền thuốc ra hành lang ngồi chờ. Các hình ảnh ghi nhận lại tại các bệnh viện đăng lên mạng xã hội đã khiến nhiều người lầm tưởng về một kịch bản dịch bệnh mới tại Trung Quốc.
Cuối tháng 11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích, đồng thời yêu cầu giải trình chi tiết về mầm bệnh đường hô hấp đang lưu hành. Trung Quốc phủ nhận sự xuất hiện của mầm bệnh mới. Các nhà chức trách cho biết mycoplasma là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca viêm phổi tính đến giữa tháng 11.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Trung Quốc và một số nước châu Âu.
Ở Trung Quốc, việc điều trị trẻ em bị nhiễm mycoplasma có thể gặp khó khăn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Jama Network Open vào năm 2022, gần 80% trường hợp kháng macrolide, một nhóm thuốc bao gồm azithromycin được dùng cho con gái của Rachel.
Tuy nhiên, azithromycin vẫn là một trong những loại kháng sinh được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc và là phương pháp điều trị mặc định đối với bệnh viêm phổi do mycoplasma. Các bác sĩ cho biết những loại kháng sinh thay thế khác thường kèm theo tác dụng phụ như đổi màu răng hay gây bất thường về xương đối với trẻ nhỏ nên ít lựa chọn.
Một số chuyên gia nhận định việc sử dụng kháng sinh quá mức trong các trường hợp nhiễm trùng nhẹ là nguyên nhân gây ra mức độ kháng thuốc cao.
Zuo-Feng Zhang, Chủ tịch dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Fielding thuộc Đại học California, Los Angeles, cho biết: “Nếu thuốc kháng sinh không còn tác dụng, bệnh sẽ kéo dài hơn. Điều đó làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh quy mô lớn”..
Tình hình ở Trung Quốc đã nêu bật một thách thức toàn cầu. Trong nhiều năm qua, WHO đã cảnh báo việc lạm dụng kháng sinh khiến một số vi khuẩn phổ biến nhất ít phản ứng hơn với các loại thuốc hiện có và gọi đây là một dịch bệnh thầm lặng.
Trong một video tháng 11 đánh dấu Tuần lễ Nhận thức về Kháng kháng sinh Thế giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh tình trạng kháng thuốc có nguy cơ đưa chúng ta quay trở lại thời điểm mà các bệnh nhiễm trùng nhẹ không thể điều trị được.
Theo WHO, tình trạng kháng kháng sinh đã góp phần gây ra gần 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019. Theo Ngân hàng Thế giới, các bệnh kháng thuốc được dự đoán sẽ dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe ước tính lên khoảng 1.000 tỷ USD và thiệt hại kinh tế lên tới 3.400 tỷ USD vào năm 2050.
Trong khi các cơ quan y tế ở Trung Quốc đang tìm cách giảm thiểu việc lạm dụng thuốc kháng sinh và nâng cao nhận thức công chúng, những quan niệm sai lầm phổ biến vẫn tồn tại. Ví dụ nhiều người coi thuốc kháng sinh là thuốc chữa bệnh cảm lạnh, mặc dù thực tế cảm lạnh là do virus và thuốc thì không có tác dụng với virus.
Thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch cũng không phải là hiếm ở Trung Quốc đối với trường hợp trẻ em bị nhiễm vi khuẩn. Các bác sĩ cho biết mặc dù chúng có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhưng trong nhiều trường hợp, tình trạng nhiễm trùng có thể tự khỏi với tốc độ chậm hơn.
“Rất ít trẻ em ở Mỹ được tiêm thuốc kháng sinh khi chúng đến tuổi thiếu niên, nhưng có đứa trẻ nào ở Trung Quốc không tiêm? Đó là điều mà bệnh viện sẽ làm ngay cả đối với những căn bệnh nhẹ”, ông Zhang chỉ ra.
Hồi tháng 11, Yin Yudong, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh, trung tâm y tế về bệnh hô hấp hàng đầu quốc gia, nói với tờ Beijing News: “Chúng tôi phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Nếu không, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ không có phương pháp điều trị cho trẻ em”.