Hai sinh viên trên đã về Trung Quốc vào các ngày 19/3 và 30/3. Họ không có một triệu chứng nào khi đó và đã được đưa vào cách ly theo quy định tại một khách sạn trong 14 ngày. Sáng của ngày cách ly thứ hai, các sinh viên trên vẫn không hề có triệu chứng bệnh nhưng đã có xét nghiệm dương tính với virus và đã được nhập viện. Khoảng 3 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm trên, các nhà nghiên cứu đã xem xét các phòng khách sạn nơi họ cách ly và phát hiện dấu vết của virus trên núm cửa, công tắc đèn, vòi nước, nhiệt kế, điều khiển TV, vỏ gối, vỏ chăn, khăn trải giường, khăn tắm, núm vặn cửa phòng tắm, bệ ngồi toilet, nút xả bồn cầu. Trong tổng cộng 22 mẫu phẩm đã được thu thập trong hai căn phòng trên, 8 mẫu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả trên "chứng tỏ sự lây lan rất lớn trong một thời gian tương đối ngắn của virus SARS-CoV-2 trong môi trường". Họ cũng chú thích thêm rằng một lượng lớn virus đã được phát hiện sau các tiếp xúc thời gian dài trên vỏ gối và vỏ chăn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy trình xử lý phù hợp khi thay hoặc giặt các vật dụng mà bệnh nhân đã sử dụng.
Các nhà nghiên cứu kết luận: "Nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ rằng các bệnh nhân chưa có triệu chứng vẫn có nguy cơ lây truyền virus rất cao và có thể dễ dàng tạo ra các môi trường nhiễm virus".
Nghiên cứu trên do các chuyên gia của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) tại Thanh Đảo và tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc phối hợp với Trung tâm nghiên cứu y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke Kunshan, và Viện Vi sinh học và dịch tễ học Bắc Kinh tiến hành. Hiện các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang tìm hiểu thời gian virus có thể sống sót trên các bề mặt. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy SARS-CoV-2 có thể sống từ 3 giờ đến 7 ngày, tùy vào loại vật chất.