Nguồn lực ASEAN trong tình hình địa chính trị mới

Ngày 10/11, tại thủ đô Moskva, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Khoa học “Ý tưởng Á-Âu” đã phối hợp với Hãng thông tấn Regnum tổ chức Cuộc toạ đàm chuyên gia với chủ đề: “Nguồn lực ASEAN trong tình hình địa chính trị mới”.

Quang cảnh cuộc tọa đàm.

Theo Phóng viên TTXVN tại LB Nga, tọa đàm được tổ chức trước thềm Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 20, Cấp cao ASEAN+1 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada, EU, Liên Hợp Quốc và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Manila, Philippines từ ngày 12 - 14/11/2017.

Có ít nhất 30 đại biểu là các học giả đầu ngành của LB Nga nghiên cứu về khu vực ASEAN, các nhà ngoại giao, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực hợp tác Nga-ASEAN, các cơ quan truyền thông Nga và Việt Nam, cùng đông đảo sinh viên người Nga và Việt Nam đang theo học các chuyên ngành có liên quan đã tham dự cuộc toạ đàm và thảo luận về triển vọng hợp tác Nga-ASEAN, về vai trò cầu nối giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và ASEAN của Việt Nam, về nhiệm vụ của ASEAN trong tình hình địa chính trị mới, đặc biệt là việc Nga có thể thông qua hợp tác với ASEAN để vô hiệu hoá các lệnh cấm vận của phương Tây và về tình hữu nghị đặc biệt giữa Nga và Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN.

Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên trang mạng của Hãng thông tấn Regnum đã thu hút được đông đảo người quan tâm theo dõi.

Trong hơn 2 tiếng thảo luận sôi nổi, các đại biểu đều cho rằng hợp tác với khu vực ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong tình hình địa chính trị hiện nay, khi mà phương Tây tiếp tục bao vây cấm vận LB Nga và Moskva cũng chủ trương thúc đẩy chính sách hướng Đông của mình. Với một thị trường thống nhất với hơn 600 triệu dân thì ASEAN đang có tiềm năng rất lớn đối với LB Nga. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn tồn tại đang cản trở hợp tác song phương xuất phát từ cả 2 phía. Đối với Nga đó là thiếu nguồn vốn đầu tư vào thị trường ASEAN, còn đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là mối đe doạ an ninh truyền thống và phi truyền thống như xung đột trên Biển Đông hay làn sóng khủng bố quốc tế đang lây lan sang Đông Nam Á.

Một điểm thuận lợi trong hợp tác Nga-ASEAN được các chuyên gia nêu lên là vai trò “cầu nối” của quốc gia dẫn đầu trong khối này là Việt Nam. Việt Nam và LB Nga không chỉ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, mà Việt Nam còn là quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp định thương mại tự do với EAEU. 

Phát biểu mở đầu Cuộc toạ đàm, ông Grigory Trofimtruk - Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á-Âu” khẳng định sự ảnh hưởng của Việt Nam trong khối ASEAN đang ngày càng tăng nhờ vào vị thế chính trị và kinh tế của quốc gia này trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng thừa nhận kết quả hợp tác kinh tế-thương mại Nga-Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và mối quan hệ chính trị tốt đẹp của hai nước. Bởi vậy, trong thời gian tới, hai bên cần tận dụng tối đa những thuận lợi sẵn có để đưa kim ngạch thương mại song phương lên mức 10 tỷ USD trước năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã nhiều lần tuyên bố.

Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên TTXVN, ông Viktor Tarusin- Giám đốc Hội Doanh nghiệp Nga-ASEAN nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia thành viên ASEAN có nhiều kinh nghiệm trong hợp tác với LB Nga kể từ thời Liên Xô. Chính đây là nền tảng hiệu quả cho các doanh nghiệp Nga hợp tác với các đối tác Việt Nam, và cũng là ví dụ điển hình cho sự hợp tác giữa Nga với các thành viên khác trong ASEAN. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là Nga và Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa công tác truyền thông, cũng như cần tạo ra nhiều diễn đàn để doanh nghiệp hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu về nhau rõ hơn.
 
Kết thúc Toạ đàm, các đại biểu tham dự đã thông qua Khuyến nghị nhằm thúc đẩy hợp tác Nga-ASEAN nói chung, Nga-Việt Nam nói riêng gồm 7 điểm cơ bản sau: ASEAN là một trong những diễn đàn hội nhập quan trọng có ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế không chỉ trong khu vực mà còn có quy mô địa chính trị toàn cầu; Trong bối cảnh tình hình thế giới phát triển tiêu cực, ASEAN đang là một trong những khu vực ổn định, có khả năng ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố, duy trì tự do thương mại, đảm bảo an ninh hàng hải và giải trừ vũ khí hạt nhân; Nga cần tận dụng tốt hơn các cơ hội sẵn có với ASEAN, mà theo như đánh giá của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là tình hữu nghị với Việt Nam, quốc gia đang đi đầu trong ASEAN; Tầm ảnh hưởng của ASEAN trên thế giới là nhờ vào sự tích cực của Việt Nam trong các hoạt động chính trị và kinh tế; Việt Nam là một mắt xích quan trọng giữa ASEAN với EAEU, giúp EAEU mở rộng tới khu vực Đông Nam Á, và Việt Nam sẵn sàng hợp tác để vô hiệu hoá các lệnh trừng phạt chống nga thông qua công cụ ASEAN; Các trung tâm Việt Nam và ASEAN của Nga có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự hợp tác tin cậy giữa Nga-ASEAN; Nga cần mang đến cho các đối tác của mình ở Đông Nam Á một chương trình hành động mới, góp phần đưa nhân dân hai bên xích lại gần nhau trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và văn hoá - nhân đạo.

Tin, ảnh: Quang Vinh (P/v TTXVN tại Nga)
Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn xây dựng quan hệ hài hòa với Mỹ
Tổng thống Putin khẳng định Nga muốn xây dựng quan hệ hài hòa với Mỹ

Ngày 11/11, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại Đà Nẵng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong quan hệ với Mỹ, Nga sẵn sàng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, giải quyết các vấn đề có lợi cho nhân dân hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN