Hàng hoá được bày bán trong siêu thị ở New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Dù nhiều người tiêu dùng vẫn chọn cách chờ đợi xem các diễn biến tiếp theo ra sao, không ít người lo ngại rằng bất kỳ đợt mua sắm hoảng loạn nào cũng có thể kích hoạt làn sóng tích trữ hàng hóa quy mô lớn, do kỳ vọng lạm phát sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Manish Kapoor, nhà sáng lập công ty quản lý chuỗi cung ứng GCG gần Los Angeles, cho biết các mức thuế mới đang làm dấy lên ký ức về những kệ hàng trống trơn trong thời kỳ đại dịch, khi chuỗi cung ứng đứt gãy đã gây ra tình trạng thiếu hàng và lạm phát.
Ông Kapoor nói: “Chúng ta đã chứng kiến điều đó trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi mọi người đổ xô lấy tất cả mọi thứ trên kệ, bất kể họ có thực sự cần hay không. Tình hình chưa đến mức đó, nhưng mọi người đang lo ngại giá hàng hóa sẽ tăng và vì thế, họ muốn tích trữ”.
Ông Angelo Barrio, 55 tuổi, một cựu nhân viên ngành may mặc, cho biết chiến thuật “làm nhiễu thông tin và gây hỗn loạn” của ông Trump khiến ông và bạn bè lo ngại về triển vọng của nền kinh tế. Từ tháng 11 năm ngoái, ông Barrio đã bắt đầu mua các mặt hàng có thời hạn sử dụng lâu dài vì lo sợ các nhà bán lẻ sẽ chuyển phần chi phí thuế sang người tiêu dùng.
Ông Barrio tỏ ra đồng cảm với Trung Quốc - quốc gia mới bị ông Trump đe dọa áp thêm 50% thuế nếu Bắc Kinh không rút lại các biện pháp trả đũa đối với Mỹ.
Tại đại lý ô tô Valley Subaru ở Longmont, bang Colorado, doanh số đã tăng vọt trong vài tuần gần đây. Quản lý kinh doanh Nic Chuenchit cho biết, ông không rõ bao nhiêu phần trong số đó là do người tiêu dùng lo ngại mức thuế 25% đã có hiệu lực từ ngày 3/4 đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Ông Chuenchit nói: “Khách hàng đang bàn về thuế quan, họ đặt nhiều câu hỏi với chúng tôi. Tôi nghĩ một số người dự định mua xe đã quyết định mua sớm hơn vì lo lắng về mức thuế”. Dù vậy, ông vẫn tỏ ra lạc quan khi nhớ lại những lần bán xe sau khủng hoảng 2008 và trong đại dịch.