Người Pháp đã hết “yêu” năng lượng hạt nhân?

Liệu niềm tự hào của người Pháp trong nhiều thập kỷ qua về năng lượng hạt nhân cuối cùng có giảm đi sau thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Nhật Bản? Tuy còn quá sớm để tuyên bố, “tình yêu” kéo dài gần 4 thập kỷ của Pháp với năng lượng hạt nhân đã kết thúc, nhưng đã có những dấu hiệu về sự nghi ngờ của người dân xứ sở hình lục lăng đối với ngành công nghiệp nguyên tử.

Sự thật là, người Pháp đang phải nghĩ lại việc phát triển năng lượng hạt nhân, giống như người Đức trước đó đã quyết định đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng vào năm 2022, hoặc những quyết định trung dung hơn của Italia và Thụy Sĩ, về gác lại các kế hoạch phát triển công nghiệp hạt nhân. Nhưng những xem xét nội quan tại Pháp gần đây về chất lượng của năng lượng hạt nhân đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về tương lai của ngành này ở Pháp với vai trò như là một trong những nhân tố lớn nhất của ngành công nghệ hạt nhân dân sự thế giới.

Ngày càng nhiều người Pháp ủng hộ rút lui khỏi năng lượng hạt nhân. Ảnh Internet


Diễn biến mới nhất trong những rắc rối “hậu Fukushima” tại Pháp đã xảy ra hôm 3/1, khi Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp (ASN) công bố bản báo cáo kiểm toán của 58 nhà máy điện hạt nhân tại Pháp và kêu gọi những cải thiện an toàn quan trọng. Mặc dù ASN cho biết, những tiêu chuẩn an toàn hiện nay tại các lò phản ứng của Pháp cho phép “không phải đưa ra bất cứ quyết định đóng cửa ngay lập tức nào” với bất cứ cơ sở hạt nhân nào, nhưng họ vẫn cảnh báo sẽ “tiếp tục các hoạt động nhằm đòi hỏi các hành lang an toàn hiện có cần phải được củng cố ngay lập tức. Những khuyến nghị về an toàn bao gồm từ đảm bảo khả năng năng lượng dự phòng, tạo ra trung tâm kiểm soát khủng hoảng kiểu “boongker hóa” tại các nhà máy; đảm bảo khả năng làm mát cần thiết, kể cả trong trường hợp khẩn cấp, nhằm tránh tình trạng tan chảy lõi hạt nhân như mới xảy ra ở Fukushima 1; đến siết chặt tất cả các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu các thiệt hại tiềm tàng do động đất, lũ lụt hoặc hỏa hoạn.

ASN cũng kêu gọi thành lập và đưa vào hoạt động “một lực lượng phản ứng nhanh” nhằm can thiệp vào các tình trạng khẩn cấp hạt nhân vào cuối năm 2014. ASN gia hạn cho các nhà quản lý lò phản ứng – được lãnh đạo bởi tập đoàn điện quốc doanh EDF – đến ngày 30/6 tới đưa ra những đề xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn đã được củng cố về những địa điểm mà họ quản lý.

Tuy vậy, những đề xuất của ASN đồng nghĩa với chi phí. Theo ước tính của cơ quan này, để thực hiện được những đề xuất an toàn sẽ tốn kém trên 13 tỉ USD, một con số không nhỏ khi các nhà điều hành Pháp đã lên kế hoạch chi 52 tỉ USD trong vòng 3 thập niên để củng cố và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chi phí cuối cùng sẽ được “phản ánh” trên hóa đơn điện hằng tháng của người tiêu dùng Pháp, một sự thật không ai mong muốn.

Gần 75% sản lượng điện tại Pháp là từ các lò phản ứng hạt nhân, và người tiêu dùng Pháp từ lâu đã “yêu” thứ năng lượng rẻ (và như họ được quảng cáo là “sạch” nữa), đã giúp họ tránh được những đỉnh cao về giá năng lượng mà các quốc gia khác phải gánh chịu. Rẻ, sạch, dễ xuất khẩu và sinh lợi lớn, năng lượng hạt nhân vẫn là một “đặc sản” quốc gia được người Pháp yêu mến, ngay cả khi danh tiếng của nó bị lu mờ nghiêm trọng ở những nơi khác. Vụ Đảo Ba dặm, vụ Chernobyl và những thảm họa hạt nhân khác có thể đã khiến nhiều quốc gia khác cân nhắc lại hoặc rút lui hoàn toàn khỏi năng lượng hạt nhân, nhưng nước Pháp thì chưa từng. Tuy vậy, quan điểm này dường như đang thay đổi.

Từ tính chất nghiêm trọng của thảm họa, có lẽ sẽ không ngạc nhiên khi thấy những cuộc thăm dò dư luận tại Pháp sau thảm họa Fukushima 1 cho thấy một mong muốn mới, dứt bỏ nước Pháp khỏi trật tự hạt nhân lâu nay. Các cuộc thăm dò tiến hành hồi tháng 6/2011 cho thấy, 62% người được hỏi ủng hộ một cuộc rút lui dần khỏi năng lượng hạt nhân trong vòng 20, 30 năm, và 15% kêu gọi một cuộc ngừng nhanh chóng. Chỉ có 22% người Pháp ủng hộ tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân.

Trước sức ép từ các liên minh ủng hộ môi trường ở Pháp về một cái kết nhanh chóng cho năng lượng hạt nhân, đảng cầm quyền của Pháp đang tuyên bố sẽ dần dần chấm dứt sử dụng 24 lò phản ứng đã cũ, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với yêu cầu của phe “xanh” về đóng cửa các nhà máy đang hoạt động và hủy kế hoạch xây dựng các nhà máy mới. Điều này không chỉ tạo ra một rạn nứt đáng kể trong liên minh các đảng cánh tả vốn đã lỏng lẻo tại Pháp mà còn có nguy cơ làm biến mất hàng triệu việc làm.

Thu Hằng

Năng lượng bền vững - Lời giải cho bài toán khó
Năng lượng bền vững - Lời giải cho bài toán khó

Hội nghị Cấp cao Năng lượng tương lai của thế giới đang diễn ra tại Abu Đabi, thủ đô của Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng thế giới đang tăng nhanh nhưng nguồn cung năng lượng bị thu hẹp, sử dụng năng lượng bền vững đã trở thành chủ đề chính của hội nghị lần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN