Theo hệ thống tính tuổi truyền thống, công dân Hàn Quốc được tính là 1 tuổi ngay khi chào đời và 2 tuổi khi bước sang Năm mới dương lịch. Nếu sinh ra vào đêm Giao thừa, đứa trẻ nghiễm nhiên được tính là 2 tuổi ngay trong ngày đầu tiên của Năm mới.
Tuy nhiên, theo các sửa đổi có hiệu lực từ ngày 28/6, tất cả khu vực pháp lý và hành chính trên lãnh thổ Hàn Quốc sẽ bắt đầu sử dụng hệ thống tính tuổi theo tiêu chuẩn quốc tế. Tờ Korea Times cho biết cách tính tuổi này được áp dụng trong hầu hết các vấn đề hành chính và dân sự, bao gồm cả hợp đồng và các tài liệu chính thức khác.
Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua luật này hồi năm ngoái, nhằm giải quyết những nhầm lẫn xã hội do việc sử dụng kết hợp nhiều cách tính tuổi, gây ra nhiều hệ quả rắc rối.
Trong khi cách tính tuổi theo tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng cho các tài liệu pháp lý và y tế từ những năm 1960, các biểu mẫu chính thức khác vẫn sử dụng cách tính tuổi truyền thống.
Hệ thống này đã vấp phải sự chỉ trích của các chính trị gia trong những năm gần đây. Họ cho rằng cách tính tuổi truyền thống dễ gây nhầm lẫn và khiến Hàn Quốc, một cường quốc công nghệ và văn hóa toàn cầu, trở nên lạc hậu với phần còn lại của thế giới.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã được công chúng ủng hộ rộng rãi khi cam kết thay đổi hệ thống tính tuổi này trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Ông nói rằng cách tính tuổi truyền thống làm tiêu hao tài nguyên của đất nước. Theo khảo sát đầu năm 2022 của Hankook Reseacrch, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Seoul, 70% người Hàn Quốc muốn điều chỉnh cách tính tuổi này.
Ông Lee Wan-kyu, Bộ trưởng Pháp chế Hàn Quốc, cho biết luật mới sẽ giảm bớt những rắc rối và tranh chấp xã hội, cũng như giảm đáng kể chi phí xã hội không cần thiết do sử dụng kết hợp nhiều cách tính tuổi.
“Thật tuyệt! Đối với những người sẽ bước sang tuổi 60 vào năm tới như tôi, cách tính tuổi mới khiến chúng ta cảm thấy mình vẫn còn trẻ”, ông nói.
Nhân viên văn phòng Hong Suk-min chia sẻ: “Thật khó hiểu khi một người nước ngoài hỏi tôi bao nhiêu tuổi, vì tôi biết họ hỏi tôi tuổi quốc tế. Những lúc như vậy tôi phải tính toán tuổi của mình”.
Cô Park Jeong-yeon, nhân viên văn phòng, rất hào hứng khi được giảm về mốc 28 tuổi thay vì 30 theo cách tính truyền thống. Cô cho biết điều này sẽ giúp cô có thêm thời gian hoàn thành mục tiêu kết hôn trước 30 tuổi.
“Bố mẹ tôi thúc giục chuyện lấy chồng vì cho rằng tôi 'quá già để cư xử như trẻ con'. Giờ thì họ sẽ phải chấp nhận rằng tôi còn hai năm nữa mới 30 tuổi”, cô Park nói.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9/2022, trong khi một số người dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng cách tính tuổi truyền thống trong môi trường không chính thức, 86% người Hàn Quốc cho biết họ sẽ áp dụng hệ thống tính tuổi quốc tế trong cuộc sống hàng ngày khi luật mới có hiệu lực.
Song dù luật tính tuổi mới có hiệu lực, tuổi nghĩa vụ quân sự, tuổi nhập học, tuổi mua rượu bia, thuốc lá vẫn được tính theo dương lịch – hệ thống tính tuổi thứ 3 tại Hàn Quốc. Theo cách tính này, một người được coi là 0 tuổi kể từ khi sinh ra và sẽ thêm 1 tuổi vào ngày đầu Năm mới.
Tại Hàn Quốc, tuổi mua rượu bia hoặc thuốc lá được tính theo năm sinh của một người, bất kể họ sinh tháng nào. Điều này cũng áp dụng trong quy định về độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự trong 21 tháng.
“Chính phủ đã quyết định giữ lại những trường hợp ngoại lệ ngay cả sau khi luật mới hiệu lực, vì việc quản lý hàng năm sẽ dễ dàng hơn,” Lee nói.
Nguồn gốc của phương pháp tính tuổi truyền thống là không rõ ràng. Một giả thuyết cho rằng một đứa trẻ sẽ được tính là tròn 1 tuổi khi chào đời vì tính cả thời gian trong bụng mẹ – 9 tháng được làm tròn thành 12. Những giả thuyết khác cho biết cách tính tuổi này có liên quan tới một hệ thống số châu Á cổ đại không có khái niệm về số 0.