Họ không có cách nào biết được người thân của mình còn sống hay đã chết. Đường dây điện thoại khẩn cấp ngưng đổ chuông. Các nhân viên y tế tuyệt vọng chỉ biết tìm đường cứu người bằng cách lái xe về phía có tiếng nổ. Người bị thương bị bỏ mặc trên đường phố vì không có gì liên lạc với các đơn vị y tế.
Sẩm tối 27/10, dịch vụ điện thoại và Internet bên trong khu vực Gaza đột nhiên bị cắt đứt. Trả lời tờ News York Times, hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington tin rằng Israel phải chịu trách nhiệm về việc mất liên lạc. Sau khi bị mất đường dây liên lạc, nỗi hoảng loạn nhanh chóng lan khắp khu vực.
Fathi Sabbah, một nhà báo đang tác nghiệp ở Gaza, viết trên trang Facebook ngày 29/10: “Tôi cảm thấy mình như mù và điếc, không thể nhìn hay nghe thấy bất kỳ thứ gì”.
Theo chính quyền Israel, các tay súng Hamas xông qua hàng rào biên giới vào ngày 7/10 tấn công các thị trấn của Israel. Kể từ đó đến nay, giao tranh bùng phát và người dân Gaza nói rằng họ phải sống trong cơn ác mộng.
Để đáp trả các cuộc tấn công, quân đội Israel tuyên bố bao vây khu vực đông dân cư, cắt điện, nước và vật tư y tế trong khi triển khai một loạt cuộc oanh tạc từ trên không.
Ngày 29/10, quân đội Israel cho biết họ đã mở rộng một cuộc tấn công trên bộ trong đêm và cảnh báo rằng thường dân Palestine nên di chuyển đến phần phía Nam của dải Gaza.
Quân đội Israel cũng cho biết họ đang tiến hành các cuộc không kích ở Liban sau khi lãnh thổ Israel hứng chịu ít nhất 16 quả tên lửa được phóng từ nước này.
Tại Gaza, 47 xe tải viện trợ từ Ai Cập qua biên giới mang theo nước, thực phẩm và thuốc men. Tuy nhiên, số lượng này vẫn là chưa đủ so với mức hỗ trợ cần thiết cho 2 triệu người Palestine.
Ahmed Yousef, một công chức 45 tuổi sống ở thị trấn Deir El Balah, bày tỏ tình cảnh mất điện và nước đã tồi tệ rồi nhưng người dân không nghĩ sẽ mất cả liên lạc.
“Việc mất liên lạc còn tệ hơn nhiều”, Ahmed nói mình không những không thể liên lạc được với người thân, bạn bè mà còn không thể liên lạc được với người hay cung cấp nước hoặc người xếp hàng mua bánh mì cho nhà mình.
Lúc đầu anh nghĩ việc mất dịch vụ liên lạc chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, khi sử dụng điện từ hệ thống pin Mặt Trời để xem trang tin tức Al Jazeera, Ahmed mới biết tình trạng mất liên lạc chung trên cả khu vực.
Abdulmajeed Melhem, Giám đốc điều hành Paltel Group, công ty viễn thông hàng đầu của Palestine, cho biết kết nối được tự khởi động lại vào khoảng 4h sáng 29/10. Theo ông Melhem, công ty đã không sửa chữa và không hiểu làm thế nào hoặc tại sao các đường dây kết nối hoạt động trở lại một phần. Ông tin rằng chính phủ Israel đứng sau sự việc này.
Cho đến nay, các quan chức Israel vẫn từ chối bình luận về cáo buộc cho rằng họ cố tình gây ra việc cắt đường dây liên lạc trong khu vực.
Bị cô lập với thế giới bên ngoài và ngay cả với nhau, người dân Gaza phải đối mặt với những cảnh chỉ thấy trong bộ phim nói về ngày tận thế.
Mahmoud Basl, một quan chức dân phòng cho biết, các đội cứu hộ buộc phải cố gắng xác định vị trí các địa điểm xảy không kích bằng cách quan sát hướng phát ra vụ nổ. Trong những tình huống khác, các tình nguyện viên khi đón được những người bị thương, họ phải chở đến bệnh viện mới thông báo được cho các đội khác đến cứu những nạn nhân còn lại.
Yusuf Al-Loh, giám đốc điều hành của một cơ quan dịch vụ y tế tại Gaza, mô tả có những người đã chạy gần 2 km mới gặp được đội cứu hộ và kêu cứu. Tuy nhiên, khi đội cứu hộ đến nơi, đã có những người dân xúc phạm vì họ đang cảm thấy tức giận do có cảm giác bị bỏ rơi. Điều này càng phản ánh sâu sắc thêm tình cảnh thảm họa “ở cấp độ tâm lý”.
Ashraf al-Qidra, phát ngôn viên của Cơ quan Y tế Gaza cho biết trên 8.000 người, trong đó có hơn 3.000 trẻ em, đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi giao tranh bùng nổ. Phía Israel có 1.400 người thiệt mạng.
Trong cuộc họp báo ngày 29/10, ông al-Qidra cho biết sau khi liên lạc được kết nối trở lại, đội cứu thương và dân phòng đã tìm thấy hàng trăm người chết và bị thương nằm trên mặt đất hoặc bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Cũng theo cơ quan này, hàng nghìn người đã xông vào các nhà kho của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) lấy bột mì và các mặt hàng thiết yếu khác.
Ông Thomas White, Giám đốc phụ trách các vấn đề của UNRWA tại Dải Gaza, cho biết: “Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại rằng trật tự dân sự đang bắt đầu bị phá vỡ sau ba tuần chiến tranh và phong toả. Sự căng thẳng và nỗi sợ hãi trở nên tồi tệ hơn tình trạng mất đường dây liên lạc, Internet. Người dân Gaza cảm thấy họ rất cô độc khi bị cắt đứt khỏi gia đình và phần còn lại của thế giới”.