Ông Stanislav Petrov - "người giải cứu thế giới" tránh thảm họa chiến tranh hạt nhân, đã qua đời ở tuổi 77. Ảnh: Getty |
Theo hãng tin AFP ngày 19/9, ông Petrov qua đời tại nhà riêng ở một thị trấn nhỏ ngoại ô thủ đô Moskva vào ngày 19/5, song thông tin về sự ra đi của ông mới được biết đến rộng rãi tại Nga và thế giới sau đó vài tháng khi nhà làm phim người Đức Karl Schumacer đăng tin buồn này trên trang nhật ký cá nhân.
Ông Schumacer, người đầu tiên công bố câu chuyện của ông Petrov đến toàn thế giới, đã gọi điện để chúc mừng sinh nhật ông vào ngày 7/9 và được con trai ông thông báo rằng người cựu sĩ quan đã qua đời.
Vào tháng 9/1983, giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh, sĩ quan Petrov đang làm nhiệm vụ tại một trung tâm điều khiển bí mật đặt ở phía Nam thủ đô Moskva thì còi báo động vang lên báo hiệu Mỹ đã phóng các tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong thời khắc đó, vị trung tá 44 tuổi chỉ trong vài phút đã đưa ra một quyết định liều lĩnh khi cho rằng đó là một cảnh báo sai và báo cáo lên cấp trên rằng hệ thống cảnh báo gặp trục trặc. Sau đó, một cuộc điều tra được tiến hành cho thấy những gì mà ông Petrov nhận định là đúng đắn.
Quyết định của ông Petrov đã giúp thế giới tránh thảm họa chiến tranh hạt nhân, bởi nếu vào thời điểm đó, ông báo cáo với cấp trên về việc Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân, giới lãnh đạo Liên Xô có thể sẽ ra lệnh có hành động đáp trả.
Một vài tháng sau đó, ông Petrove đã được tặng thưởng "vì sự cống hiến cho đất nước", song vụ việc trên được giữ bí mật trong suốt nhiều năm. Năm 1984, ông Petrov giải ngũ và chuyển đến sống tại thị trấn Fryazino, cách thủ đô Moskva 12 km về phía Đông Bắc.
Câu chuyện "giải cứu thế giới" của ông Petrov chỉ được công bố vào năm 1991 và trong suốt nhiều năm sau đó, ông trở thành chủ đề của hàng loạt các bài báo truyền thông ở Nga và nước ngoài.
Năm 2014, nhà làm phim Đan Mạch Peter Anthony đã công bố bộ phim tài liệu với tiêu đề "Người đàn ông giải cứu thế giới" để giúp dư luận hiểu rõ hơn về cuộc đời của người cựu sĩ quan này.