Theo đài RT (Nga), nghiên cứu mới do Đại học Chicago thực hiện trước Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi cho thấy thủ đô Ấn Độ là siêu đô thị ô nhiễm nhất thế giới, với mức ô nhiễm cao hơn 25 lần so với hướng dẫn của WHO. Nghiên cứu cảnh báo rằng người dân có thể giảm 12 năm tuổi thọ do chất lượng không khí kém.
Báo cáo có tiêu đề AQLI 2023 xác định Ấn Độ là quốc gia đang phải đối mặt với “gánh nặng sức khỏe lớn nhất” do ô nhiễm không khí. Số lượng lớn người dân bị ảnh hưởng bởi nồng độ ô nhiễm bụi mịn ở quốc gia này là rất cao.
Nghiên cứu cảnh báo, tại vùng đồng bằng phía Bắc của Ấn Độ, một người dân trung bình có nguy cơ bị giảm khoảng 8 năm tuổi thọ nếu mức độ ô nhiễm kéo dài. Khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 500 triệu dân - bao gồm các bang Bihar, Chandigarh, Haryana, Punjab, Uttar Pradesh và Tây Bengal, cũng như một số vùng lãnh thổ liên bang, bao gồm cả thủ đô New Delhi.
Báo cáo giải thích mối đe dọa chính đối với sức khỏe người dân Ấn Độ là nồng độ ô nhiễm bụi mịn. Quốc gia này chiếm 59,1% mức độ ô nhiễm trên toàn thế giới kể từ năm 2013.
Theo dữ liệu mới năm 2021, ô nhiễm ở Ấn Độ đã tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian từ năm 2020 - 2021. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở New Delhi, nơi có mức ô nhiễm dạng hạt mịn trung bình hàng năm cao hơn 25 lần so với hướng dẫn do WHO đặt ra.
Nghiên cứu cho thấy trung bình cư dân của các quốc gia Nam Á bị ô nhiễm nặng như Bangladesh, Nepal, Ấn Độ và Pakistan sẽ mất khoảng 5 năm tuổi thọ do ô nhiễm. Trong khi đó, người Mỹ chỉ giảm 3,6 tháng tuổi thọ do chất lượng không khí kém.
Theo báo cáo, tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng ở khu vực Nam Á có thể là do công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, và tăng trưởng dân số trong 2 thập kỷ qua. Báo cáo cũng chỉ ra rằng sự gia tăng lưu lượng giao thông cũng là một yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm vì số lượng phương tiện đường bộ ở Ấn Độ đã tăng gấp 4 lần kể từ đầu những năm 2000. Ngoài ra, khói từ hoạt động đốt rơm rạ ở các bang lân cận trong lễ hội Diwali (tháng 10-11) và khí thải công nghiệp, cũng được coi là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại New Delhi.
Báo cáo cũng cho biết rất ít quốc gia ở châu Á và châu Phi đạt “tiêu chuẩn chất lượng không khí”. Giới chuyên gia cảnh báo nếu không có hành động chính sách phối hợp, mối đe dọa ô nhiễm không khí sẽ ngày càng gia tăng.
Trong những năm gần đây, New Delhi thường xuyên bị liệt vào danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chính phủ Ấn Độ đã giải quyết vấn đề này bằng cách đưa ra một loạt chương trình nhằm giảm mức độ ô nhiễm. Năm 2019, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã khởi xướng Chương trình Không khí sạch Quốc gia (NCAP), nỗ lực giảm nồng độ ô nhiễm bụi mịn từ 20% đến 30% vào năm 2024. Chương trình này đã được cải tiến vào năm 2022, với mục tiêu giảm mức độ ô nhiễm bụi mịn xuống 40% vào năm 2026 ở 131 thành phố, trong đó có ít nhất 38 thành phố thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ bị ô nhiễm nặng.
Dữ liệu do Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu Ấn Độ công bố vào ngày 23/5 cho thấy nồng độ bụi mịn ở Delhi đã tăng lên trong năm tài chính 2021 - 2022. Tuy nhiên, các thành phố lớn khác như Mumbai đã chứng kiến chất lượng không khí cải thiện rõ rệt 34% trong cùng kỳ so với năm 2017- 2018.
Trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm, Chính phủ Ấn Độ cũng đã thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải phương tiện, phát triển tàu điện ngầm, đường cao tốc và thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện chạy bằng điện.