Ngừng xét nghiệm diện rộng, Nhật Bản tập trung vào ca nguy cơ cao mắc COVID-19

Nhật Bản sẽ ngừng công tác xét nghiệm trên diện rộng, mà thay vào đó sẽ chỉ xét nghiệm các ca có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm kháng thể cho người dân nhằm đánh giá mức độ lây lan của dịch COVID-19, tại Tokyo, Nhật Bản ngày 1/6/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trong thông báo quyết định trên, ngày 8/6, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản và cũng là người phụ trách các chính sách về COVID-19, ông Yasutoshi Nishimura đã lên tiếng bảo vệ chủ trương của chính phủ nước này trước sự chỉ trích của các chuyên gia y tế về thực trạng số lượng các xét nghiệm được tiến hành tại Nhật Bản thấp hơn nhiều nước khác.

Theo ông, việc tiến hành các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hiệu quả trên toàn dân số sẽ khó khăn. Vì trên thực tế, có những trường hợp lại có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi có kết quả âm tính ở xét nghiệm trước đó. Bộ trưởng Nishimura cho rằng điều quan trọng là xét nghiệm được đảm bảo tiến hành với những người có nguy cơ cao hơn hoặc được bác sĩ chỉ định. 

Năng lực xét nghiệm của Nhật Bản tối đa là 27.000 ca/ngày, song hiện nay số ca xét nghiệm thực tế vào khoảng 10.000 ca mà theo lý giải của Bộ trưởng Nishimura là do số ca nhiễm mới tại nước này giảm mạnh. 

Sau khi số ca nhiễm mới trong ngày lên tới đỉnh điểm 720 ca, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Nhật Bản liên tục giảm và đến nay còn khoảng 40ca/ngày. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nhật Bản hiện là 17.2000 ca, trong đó có 900 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với số ca nhiễm virus và tử vong do COVID-19 tại Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với hơn 1,9 triệu bệnh nhân, trong đó hơn 110.000 ca tử vong. 

Trước những khó khăn mà người dân, doanh nghiệp trong nước, lực lượng hoạt động trong lĩnh vực y tế đang phải gánh chịu do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngày 8/6, Quốc hội Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về gói ngân sách bổ sung thứ hai và cũng là lớn nhất trong lịch sử. 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, gói ngân sách bổ sung thứ hai của Nhật Bản có giá trị lên đến 31.914 tỷ yen (296 tỷ USD), trong đó, 2.989 tỷ yen được sử dụng để tăng cường hệ thống y tế như chi trả tiền hỗ trợ y bác sỹ tham gia chống dịch, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị; 2.024 tỷ yen để hỗ trợ tiền thuê nhà, mặt bằng cho các hộ kinh doanh bị giảm thu nhập. 

Trong dự thảo ngân sách bổ sung lần này, Chính phủ Nhật Bản cũng bổ sung thêm 451,9 tỷ yen để hỗ trợ mức tối đa 33.000 yen/tháng cho những người lao động không được hưởng trợ cấp nghỉ việc, đồng thời, nâng khoản tiền hỗ trợ tuyển dụng cho các doanh nghiệp lên mức tối đa 15.000 yen/ngày.

Ngoài ra, 11.639 tỷ yen sẽ được sử dụng trong gói chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua hình thức cho vay không lãi suất và không cần đảm bảo tín dụng. Chính phủ Nhật Bản cũng tăng thêm 2.000 tỷ yên trong gói ngân sách hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19 và khoản ngân sách 10.000 tỷ yen để dự phòng trong trường hợp ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài.

Nguồn ngân sách bổ sung chủ yếu sẽ được thực hiện bằng hình thức phát hành trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến gói ngân sách bổ sung sẽ được quốc hội Nhật Bản thông qua trong tuần này.

Phát biểu trong buổi họp báo trước phiên họp của quốc hội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho biết, gói ngân sách bổ sung lần này là rất cần thiết để đảm bảo cuộc sống và hoạt động bình thường của các doanh nghiệp và là bước chuẩn bị để đối phó với nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại.

Lan Phương - Đức Thịnh (TTXVN)
Nhật Bản đề ra thời hạn lưu hành vaccine phòng COVID-19
Nhật Bản đề ra thời hạn lưu hành vaccine phòng COVID-19

Nhật Bản đặt mục tiêu đưa vào lưu hành các loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào tháng 6/2021, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuẩn bị để đăng cai Olympic Tokyo 2020 vốn theo kế hoạch diễn ra mùa Hè này nhưng đã bị lùi lại một năm do dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN