Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rõ việc từng bước loại bỏ tiền 500 euro nhằm hạn chế nguy cơ đồng tiền mệnh giá cao này bị sử dụng vào mục đích tài trợ khủng bố, rửa tiền và các vụ việc phạm pháp.
Đồng tiền giấy mệnh giá 500 euro tại ngân hàng Sparkasse ở Munich, Đức ngày 3/2. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Theo quyết định của Hội đồng ECB, từ nay tới cuối năm 2018, đồng 500 euro sẽ vẫn là phương tiện giao dịch theo luật định và các cửa hàng vẫn phải tiếp tục chấp nhận đồng tiền này.
Các ngân hàng có thể thu hồi và đổi đồng tiền này sang các mệnh giá nhỏ hơn vào bất kể thời gian nào. Với lộ trình này, từ nay tới cuối năm 2018, khoảng 600 triệu euro tiền giấy mệnh giá 500 euro sẽ được các ngân hàng thay thế bằng các đồng tiền mệnh giá nhỏ hơn, gồm 200, 100, 50, 20, 10 và 5 euro.
Giới phân tích cho rằng tiền giấy 500 euro với đặc tính mệnh giá cao, nhẹ và phương thức trao đổi đơn giản. có thể trở thành công cụ cho hoạt động tội phạm có tổ chức, Theo tính toán, một khoản tiền 10 triệu euro, nếu với tiền giấy mệnh giá 50 euro, sẽ gồm 200.000 tờ với tổng trọng lượng lên tới 184 kg; trong khi nếu mệnh giá 500 euro thì chỉ cần 20.000 tờ và trọng lượng chỉ khoảng 22 kg.
Tuy nhiên, quyết định trên của ECB gây ra những dư luận trái chiều. Đức là một trong số ít quốc gia ở Khu vực đồng euro (Eurozone) ủng hộ lưu hành đồng tiền này. Các chính trị gia cánh tả, giới bảo vệ người tiêu dùng cho tới những người đứng đầu các ngân hàng liên bang và quỹ tiết kiệm ở Đức đều phản đối quyết định trên của ECB.
Cũng có ý kiến cho rằng việc loại bỏ đồng 500 euro không phải là biện pháp nhằm hạn chế hoạt động tội phạm có tổ chức hay rửa tiền mà đây là một trong những thử nghiệm đầu tiên nhằm "loại bỏ" tiền mặt trong đời sống kinh tế. Một số chuyên gia dự đoán, khoảng 10 năm nữa tiền mặt sẽ không còn được sử dụng phổ biến trong giao dịch như hiện nay.
Một cuộc thăm dò mới đây của ECB cho thấy có tới 56% số dân trong khu vực Eurozone chưa một lần nhìn thấy đồng 500 euro.