Ông Tin Yusos (57 tuổi) cho biết: “Giờ chẳng còn con cá to nào nữa”. Trước đây, ông Tin Yusos có thể bắt được 30kg cá/ngày nhưng hiện nay ông chỉ còn bắt được hơn 1 kg và kiếm được 3,69 USD.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn phân tích của các chuyên gia đánh giá dự án thủy điện, khai thác cát, cải tạo đất ngập nước và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến mực nước các con sông trong khu vực, tác động đến nguồn cá và gây rủi ro nguồn cung cấp thực phẩm của hàng triệu người.
Sông Mekong thường tăng mực nước trong mùa mưa và do có liên kết với Biển Hồ, con sông của Campuchia cũng nhận được dòng nước mạnh đổ về kèm theo lượng cá dồi dào.
Trong những năm gần đây, nước đổ về Biển Hồ nhiều lần bị trì hoãn, các chuyên gia cho rằng hạn hán và đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong là tác nhân dẫn đến hiện tượng này.
Chuyên gia Marc Goichot tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đánh giá thủy điện và khai thác cát có thể đã góp phần dẫn đến tình trạng hao hụt cá tại Biển Hồ.
Ông Marc Goichot phân tích: “Về cơ bản, toàn bộ mạng lưới đang thay đổi và chịu áp lực. Chúng ta cần nhận ra căn nguyên của những thay đổi này và chỉnh đốn lại các quy trình then chốt như chuyển động của các loại cá”.
Ly Safi (32 tuổi), một ngư dân Campuchia khác, cho biết lượng cá đánh bắt được năm nay khá ít và anh cảm thấy như bản thân đang mắc kẹt trong cuộc không với tương lai mù mịt. Ly Safi nói: “Một số ngư dân tiết kiệm được ít tiền và đã lên đất liền làm việc, nhưng chúng tôi lại không thể”.