Theo kênh CNN (Mỹ), làn sóng COVID-19 thứ hai của Ấn Độ đã tàn phá các thành phố lớn, các trung tâm đô thị, khiến các bệnh viện cạn kiệt oxy và thuốc men. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn và những ngôi làng hẻo lánh, bác sĩ và phòng khám thậm chí còn hiếm hơn, khiến người dân phải tự chiến đấu để giành giật sự sống mà không được chăm sóc.
Làng Chogath là một cộng đồng nông thôn ở phía tây bang Gujarat, là nơi sinh sống của khoảng 7.400 cư dân, theo điều tra dân số mới nhất vào năm 2011. Đầu tuần này, dược sĩ Jeetu cho biết có khoảng 500 đến 600 trường hợp mắc COVID-19, trong khi các ca tử vong cũng tăng đột biến.
Tuy nhiên, không có một bác sĩ hay cơ sở y tế nào trong làng và thành phố gần nhất cách đó tới hơn một giờ đi xe. Có những trạm y tế ở một số thị trấn lân cận nhưng những cơ sở nhỏ này cũng không còn giường bệnh và vật tư thiết yếu.
Trong bối cảnh các ca mắc và tử vong tăng cao đột biến, ông Jeetu buộc phải đảm nhận vai trò như một bác sĩ tình nguyện, sử dụng kinh nghiệm của mình là một dược sĩ để cung cấp oxy và kê đơn thuốc cho người dân.
“Không có ai ở đây, không có trung tâm y tế, không có bác sĩ, không có y tá,” ông nói. "Không có cơ sở y tế nào trong ngôi làng này. Vì vậy, tôi phải giải quyết tình huống theo cách mà tôi thấy phù hợp nhất”.
Ấn Độ đang đối phó với một cuộc khủng hoảng y tế đang diễn ra ở khắp mọi nơi từ thủ đô New Delhi cho đến những ngôi làng và thị trấn nhỏ nhất.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai đã lây nhiễm cho hàng triệu người trên khắp đất nước trong tháng qua, với hàng nghìn người chết mỗi ngày. Tính đến ngày 12/5, Ấn Độ đã ghi nhận trên 23,3 triệu ca bệnh kể từ khi đại dịch bùng phát, là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Ở Chogath, tình trạng không có sự trợ giúp y tế buộc dân làng tuyệt vọng phải đi đến các thị trấn xung quanh với hy vọng có thể tìm được giường bệnh.
Dinesh Makwana, cư dân làng Chogath, cho biết anh đã cố gắng đưa người cha mắc COVID-19 cuả mình đến 4 bệnh viện khác nhau ở các thị trấn lân cận trong bang Gujarat, nhưng tất cả đều không còn chỗ trống. Không còn cách nào khác, Makwana phải đưa cha anh, người được chẩn đoán là một ca bệnh nặng, trở về làng.
"Chúng tôi rất sốc trước làn sóng thứ hai. Cả làng đều rất sốc, mọi người đều sợ hãi", Makwana nói. "Tôi biết nhiều người trong làng đã chết vì COVID-19. Tôi đã nghĩ rằng cha tôi cũng sẽ không qua khỏi".
Dược sĩ Jeetu, được người dân trong làng trìu mến là gọi là “anh Jeetu", đã cho cha Makwana một số loại thuốc giúp ổn định tình trạng sức khoẻ của ông. Tuy nhiên, những rắc rối của gia đình vẫn chưa kết thúc, chị gái và mẹ của Makwana cũng đang bị nhiễm virus SARS-CoV2.
Nằm bên hiên của căn nhà, mẹ của Makwana thở hổn hển, bên cạnh là hình ảnh các vị thần Hindu treo cao trên tường. "Tôi lo lắng cho gia đình mình", ông Jivraj, cha của Makwana, nói. "Nếu tôi chết, gia đình không biết sẽ sống sao. Tôi không sợ chết nhưng tôi lo lắng cho vợ tôi".
Ông Girjashankar, 70 tuổi, đã giúp đỡ người làng hỏa táng các thi thể. Ông chất đầy gỗ lên những chiếc máy kéo và mang chúng vào làng để làm giàn thiêu. Ngôi làng thường chỉ ghi nhận khoảng 30 người chết mỗi năm nhưng trong tháng qua, họ đã hỏa táng 90 thi thể. Một số gia đình đã mất nhiều thành viên vì virus SARS-CoV-2.
Một số chuyên gia và các thành viên ủy ban chính phủ cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể đang gần đạt đỉnh, nghĩa là ca nhiễm mới hàng ngày sẽ sớm giảm xuống. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao được dự đoán duy trì suốt tháng.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng này, bằng cách gửi nguồn oxy đến nhiều bang và phân phối vật tư y tế từ nước ngoài. Nhưng tình trạng khan hiếm nguồn cung đồng nghĩa với việc phần lớn hàng hỗ trợ sẽ được chuyển đến các thành phố đông dân nhất với số ca nhiễm cao nhất, khiến những ngôi làng như Chogath phải tự xoay sở khi virus SARS-CoV-2 tấn công các hộ gia đình.
"Làng không nhận được hỗ trợ của chính phủ, không có bác sĩ, không có cách nào để đến đến các bệnh viện lớn", Girjashankar nói. "Không ai ngó ngàng đến nơi này, không có nhân viên chính phủ nào hỗ trợ chúng tôi”.
Jeetu cho biết ông "rất tức giận" vì làng thiếu sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng. "Nhưng chúng tôi có thể làm gì?", ông nói. "Chúng tôi không có giải pháp nào, người dân ở đây rất nghèo".
Trong khi đó, dân làng không còn cách nào khác là chờ đợi sự giúp đỡ và cầu nguyện họ sẽ bình phục.
"Tất cả người dân trong làng đều sợ hãi. Trong suốt 15 - 20 ngày qua, không ai bước ra khỏi nhà. Mọi người đều rất lo lắng", Makwana nói.