Theo nhật báo China Daily, chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tới 8 nước, bao gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea and Timor Leste được cho là mang mục đích thúc đẩy quan hệ với các quốc đảo trong khu vực và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng sẽ có một "chuyến thăm trực tuyến" tới Liên bang Micronesia và tổ chức các cuộc hội đàm riêng biệt thông qua video trực tuyến với người đồng cấp ở Quần đảo Cook và Niue.
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ chủ trì cuộc họp cấp ngoại trưởng Trung Quốc – các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai tại Fiji. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 10 theo hình thức trực tuyến.
Ruan Zongze, Phó chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương ngày càng xây dựng các lợi ích chung trong hợp tác thực tế và ứng phó với những thách thức chung, đóng góp vào quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.
Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19, Trung Quốc đã cấp cho các quốc đảo Thái Bình Dương gần 600.000 liều vaccine và hơn 100 tấn vật tư chống dịch. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới hỗ trợ Tonga sau vụ phun trào núi lửa và nước này cũng hỗ trợ Quần đảo Solomon duy trì sự ổn định và ngăn chặn bạo lực.
“Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia này và coi họ bình đẳng, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, đó là lý do tại sao những nước này coi Trung Quốc như một người bạn đáng tin cậy", chuyên gia Ruan nhận định khi đề cập đến thỏa thuận khung về hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.
Guo Yanjun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các hoạt động của Ngoại trưởng Vương Nghị tại 10 quốc gia thể hiện một mối quan hệ bền chặt giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Ông Guo nói: “Trung Quốc đã coi trọng những mối quan tâm, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, của các quốc đảo và đề nghị hỗ trợ kinh tế và kỹ thuật theo nhu cầu của các quốc đảo Thái Bình Dương và không có ràng buộc chính trị nào”.
Theo một thông tin về hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia Thái Bình Dương được công bố ngày 24/5, Trung Quốc đã thực hiện hơn 100 dự án viện trợ, cung cấp hơn 200 đợt hỗ trợ bằng hiện vật và đào tạo khoảng 10.000 người trong các lĩnh vực khác nhau cho các quốc gia Thái Bình Dương.
Trung tâm hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương đã được thành lập vào tháng 4 nhằm giúp các bên tăng cường năng lực đối phó với biến đổi khí hậu.
Tất cả 10 quốc đảo đã ký kết hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai, Con đường” với Bắc Kinh cũng như bày tỏ sẵn sàng tham gia Sáng kiến Phát triển Toàn cầu của Trung Quốc.
Tin tức về chuyến thăm được đưa ra ngay khi các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tổ chức hội nghị thượng đỉnh "Bộ tứ" tại Tokyo, với mục đích ngăn chặn sức ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Wang Youming, Giám đốc Viện các nước đang phát triển tại CIIS, cho biết trong khi nhóm "Bộ tứ" theo đuổi tâm lý Chiến tranh Lạnh và đối đầu giữa các khối, chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tới các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ gửi đi thông điệp đoàn kết và hợp tác.
Quần đảo Solomon là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị. Thủ tướng Manasseh Sogavare ngày 23/5 bày tỏ niềm hoan nghênh về chuyến thăm cấp cao và cho rằng đây sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.