Khói bốc lên sau cuộc không kích ở thị trấn Daraya, khu vực bên ngoài thủ đô Damascus ngày 16/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc đối thoại tại Geneva dự kiến sẽ được tiếp tục nối lại vào tháng 2 tới. Theo một thông cáo ngắn được đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Nga, ông Sergey Lavrov đã đưa ra nhận định trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault.
Theo ông Lavrov, Nga coi hội nghị sắp diễn ra ở Astana có tầm quan trọng to lớn, tạo cơ hội cho các bên đang thực sự kiểm soát tình hình trên thực địa ngồi lại với nhau và có thể thực thi những nghĩa vụ của mình, song không phải để thay thế các nỗ lực hòa bình đã được LHQ bảo trợ.
Cuộc hòa đàm giữa các bên xung đột tại Syria dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đã được lên kế hoạch vào ngày 23/1 tới tại thủ đô Astana. Đây được coi là một nỗ lực nhằm tìm cách giải quyết cuộc nội chiến kéo dài, vốn đã cướp đi sinh mạng của 300.000 người và làm gần 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Cuộc hòa đàm này diễn ra sau một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 30/12 trên toàn lãnh thổ Syria giữa chính quyền Syria và các nhóm nổi dậy, do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất hồi tuần trước.
Thỏa thuận ngừng bắn hiện hành được một số chuyên gia khu vực nhận định là thỏa thuận ngừng bắn hiệu quả và tích cực nhất tại Syria từ trước tới nay, tạo cơ hội thúc đẩy hòa bình tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cũng lạc quan đánh giá lệnh ngừng bắn hiện nay là cơ hội thực sự để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người dân này.
Nếu lệnh ngừng bắn tại Syria và các cuộc đàm phán hòa bình đạt kết quả, năm 2017 có thể là giai đoạn bước ngoặt lớn và thậm chí đánh dấu những bước đi đầu tiên hướng tới giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột dai dẳng tại quốc gia Trung Đông này.