Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá khả năng Ukraine giành lại lãnh thổ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Kiev sẽ tiếp tục khẳng định yêu sách đối với các lãnh thổ đã mất bất kể tình hình chiến sự với Liên bang Nga ra sao.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times được công bố vào ngày 4/1, theo giờ địa phương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận rằng Ukraine khó có thể giành lại bất kỳ lãnh thổ nào trong tương lai gần.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lực lượng của Liên bang Nga đang tiến lên ở Donbass, nhằm cắt đứt trung tâm hậu cần quan trọng của Ukraine tại Pokrovsk.

Theo ông Blinken, Kiev khó có thể thay đổi cục diện chiến trường hoặc tình hình thực địa trong tương lai gần.

“Đường biên giới hiện tại trên bản đồ, tôi không nghĩ sẽ thay đổi đáng kể”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh rằng yêu sách của Ukraine đối với các lãnh thổ đã mất “sẽ luôn luôn tồn tại”.

Một lệnh ngừng bắn bền vững sẽ đòi hỏi Ukraine phải tăng cường khả năng răn đe, có thể thông qua việc nhận được các đảm bảo an ninh quốc tế hoặc được trao “lộ trình gia nhập NATO”, ông Blinken nói thêm.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố rằng hiện nay vẫn chưa thấy cơ hội đàm phán ngoại giao với Liên bang Nga “theo cách có thể kết thúc chiến tranh một cách công bằng và bền vững”.

Xem video ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cho phép viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine trong ngày 24/4/2024, Lầu Năm Góc nhanh chóng công bố gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD dành cho Kiev. Nguồn: Báo Tin tức/Tin tức TV

Ukraine và Liên bang Nga đã tham gia đàm phán hòa bình tại Istanbul vào đầu năm 2022.

Một thỏa thuận sơ bộ gần như đã được đạt được, nhưng theo đài RT, các cuộc đàm phán bị phá vỡ khi Thủ tướng Anh khi đó là Boris Johnson được cho là đã khuyên Kiev rút lui và cố gắng đánh bại Liên bang Nga trên chiến trường với sự hỗ trợ của phương Tây.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin hồi tháng trước nhấn mạnh rằng Moskva (Moscow) vẫn sẵn sàng xem xét một giải pháp hòa bình lâu dài cho xung đột Ukraine, miễn là nó dựa trên các điểm đã được đồng thuận ở Istanbul và “thực tế mới trên thực địa”.

Tuy nhiên, Moskva cũng khẳng định sẽ không có sự lặp lại của các thỏa thuận Minsk 2014-2015, vốn chỉ đóng băng xung đột giữa Kiev và các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk (tự xưng).

Các quan chức cấp cao Ukraine và phương Tây sau đó đã thừa nhận công khai rằng họ chưa bao giờ có ý định tuân thủ các thỏa thuận này và chỉ sử dụng thời gian đó để vũ trang cho Ukraine.

Ngoài ra, Điện Kremlin nhấn mạnh rằng một Ukraine trung lập, không liên kết – giữ nước này ngoài NATO – là một trong những yêu cầu chính của Moskva để đạt được lệnh ngừng bắn.

Các điều kiện khác bao gồm việc Kiev phi quân sự hóa, phi phát xít hóa và duy trì sự độc lập khỏi các khối quân sự.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo RT)
Xung đột Nga - Ukraine: Hai nhân tố quyết định triển vọng hòa bình năm 2025
Xung đột Nga - Ukraine: Hai nhân tố quyết định triển vọng hòa bình năm 2025

Năm 2024, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang với các sự kiện quan trọng như Nga thay đổi "Học thuyết hạt nhân" và Ukraine nhận viện trợ quân sự từ phương Tây. Dự báo năm 2025, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc mở ra cơ hội hòa bình, phụ thuộc vào động thái của các bên liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN