Xung đột Nga - Ukraine: Hai nhân tố quyết định triển vọng hòa bình năm 2025

Năm 2024, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang với các sự kiện quan trọng như Nga thay đổi "Học thuyết hạt nhân" và Ukraine nhận viện trợ quân sự từ phương Tây. Dự báo năm 2025, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc mở ra cơ hội hòa bình, phụ thuộc vào động thái của các bên liên quan.

Chú thích ảnh
Quân nhân Ukraine trú dưới một con hào trong trận pháo kích gần thành phố Bakhmut, Ukraine ngày 8/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài sang năm 2025 sau khi trải qua năm 2024 với sự leo thang cả về quy mô lẫn mức độ nghiêm trọng, làm lu mờ mọi nỗ lực hòa bình.

Nhìn lại cuộc chiến năm 2024

Ngay ngày đầu năm 2024, Nga đã trả đũa cuộc tấn công Belgorod của Ukraine bằng cách tấn công Kharkov bằng thiết bị bay không người lái. Trong chuyến thăm một bệnh viện quân y sau những cuộc tấn công lẫn nhau này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc tấn công. Chúng tôi đang làm điều đó ngày hôm nay và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó vào ngày mai". Đây được coi là lập trường về quỹ đạo có thể xảy ra của cuộc chiến vào năm 2024.

Tiếp đó tháng 1/2024 được đánh dấu bằng một loạt các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo phương Tây (chủ yếu là từ Mỹ và EU) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như các lời kêu gọi tiếp tục hỗ trợ cho Kiev. Đến ngày 1/2, lời kêu gọi hỗ trợ đã được chính thức phản hồi, với 27 quốc gia thành viên EU đồng ý về gói viện trợ bổ sung trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ đô la Mỹ) cho Ukraine, cùng với sự hỗ trợ vũ khí tiên tiến như tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp.

Tháng 3/2024, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một trung gian hòa giải tiềm năng, tiếp đón các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine trong nỗ lực tái khởi động đàm phán, tiếp tục các nỗ lực hòa giải bất chấp lời kêu gọi của phương Tây về các hành động có nguy cơ làm leo thang xung đột. Đầu tháng, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Nga tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya. Tuần sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được tiếp đón tại Istanbul. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực chấm dứt xung đột bằng một nền hòa bình công bằng dựa trên đàm phán", minh họa cho một cách tiếp cận cân bằng và mang tính xây dựng đối với cuộc xung đột.

Tháng 3 cũng chứng kiến những diễn biến chính trị quan trọng. Cùng với việc Tổng thống Putin tái đắc cử sau cuộc bầu cử tại Nga, tháng này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong diễn ngôn liên quan đến cuộc xung đột. Vào ngày 22/3, lần đầu tiên, Nga gọi tình hình ở Ukraine là "chiến tranh" thay vì "hoạt động quân sự đặc biệt". 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nêu rõ lập trường mới của Nga về cuộc xung đột, tuyên bố: "Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Đúng, nó bắt đầu như một hoạt động quân sự đặc biệt, nhưng ngay khi phương Tây trở thành bên tham gia vào sự kiện này và đứng về phía Ukraine, nó đã trở thành một cuộc chiến đối với chúng tôi".

Cùng tháng, khu vực Zaporizhzhia trở thành điểm nóng mới với các cuộc đụng độ xung quanh nhà máy điện hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân tiềm tàng.

Những nỗ lực hòa bình trong năm 2024 không đạt kết quả như mong đợi. “Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine” vào tháng 6/2024 do Thụy Sĩ tổ chức không đạt được cam kết rõ ràng do sự vắng mặt của Nga. Trong khi đó, NATO tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine, bao gồm chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 vào tháng 7, góp phần làm tăng thêm sự căng thẳng.

Chú thích ảnh
 Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp vũ khí tăng cường cho Ukraine trong các gói viện trợ quân sự mới năm 2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Leo thang nguy hiểm

Đến tháng 9/2024, sự leo thang của cuộc chiến đã bước vào một giai đoạn mới. Vào ngày 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã chỉ ra rằng "Học thuyết hạt nhân" của Nga sẽ được sửa đổi.

Một diễn biến quan trọng khác vào tháng 9 là Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres công khai thừa nhận Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không hiệu quả trong việc chấm dứt giao tranh ở Ukraine. Vào tháng 10, Tổng thống Zelensky đã đề xuất một kế hoạch chấm dứt xung đột, bao gồm cả tư cách thành viên NATO của Ukraine. Tuy nhiên, kế hoạch này không nhận được phản hồi từ phía Nga.

Tháng 11/2024, sự tái đắc cử của Donald Trump tại Mỹ tạo nên những kỳ vọng mới. Ông Trump tuyên bố: “Tôi có thể chấm dứt giao tranh trong vòng 24 giờ”, Tuy nhiên, cùng thời điểm, việc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa và động thái đáp trả của Nga, bao gồm việc ký thông qua "Học thuyết hạt nhân" sửa đổi, khiến triển vọng hòa bình trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.

Cuối năm 2024, xung đột ngày càng trở thành một cuộc chiến tiêu hao. Việc Nga và Ukraine liên tục thực hiện các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa đã tạo ra bầu không khí căng thẳng, không bên nào giành được ưu thế rõ ràng. Vụ ám sát Tướng Igor Kirillov, Tư lệnh Phòng thủ hóa học và hạt nhân Nga vào ngày 17/12, càng làm sâu sắc thêm sự bất ổn, dẫn đến các cuộc không kích trả đũa của Moskva vào Kiev.

Dự báo năm 2025

Năm 2025 có thể chứng kiến xung đột Nga-Ukraine bước sang một giai đoạn mới, với khả năng leo thang hoặc đạt được bước tiến đáng kể trong nỗ lực hòa bình. Các chuyên gia cho rằng, triển vọng hòa bình sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: động thái chính trị của Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin và khả năng thực hiện cam kết chấm dứt xung đột của Tổng thống đắc cử Trump khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới.

Nếu không có đột phá trong đàm phán, cuộc chiến có nguy cơ kéo dài, gây ra thiệt hại nhân đạo và kinh tế ngày càng nghiêm trọng. Ước tính, số người thiệt mạng từ cả hai phía đã vượt quá 500.000 người, trong khi tổng chi phí tài chính của cuộc xung đột vượt mốc 1 nghìn tỷ USD. Những con số này nhấn mạnh mức độ tàn khốc của cuộc chiến, với những hậu quả sâu rộng cho cả khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng các giải pháp quân sự sẽ không mang lại kết quả bền vững. Như nhận định của Kenneth Waltz, nhà lý luận quan hệ quốc tế: “Trong chiến tranh, không có chiến thắng, chỉ có những mức độ thất bại khác nhau”. Nhận định này phản ánh rõ thực trạng của cuộc xung đột Nga-Ukraine hiện nay, đồng thời là lời cảnh báo về những thách thức phía trước trong việc tìm kiếm hòa bình.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo dailysabah.com)
Hàng loạt sân bay ở Liên bang Nga tạm dừng hoạt động vì nghi bị UAV Ukraine tấn công
Hàng loạt sân bay ở Liên bang Nga tạm dừng hoạt động vì nghi bị UAV Ukraine tấn công

Trong khi Bộ Quốc phòng Liên bang Nga thông báo về hoạt động của các UAV Ukraine thì Cơ quan Hàng không nước này cho biết các hạn chế tạm thời đã được áp dụng tại các sân bay Kaluga, Penza, Saransk và Saratov vì lý do an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN