Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các mảnh vi nhựa - bao gồm polyethylene, PVC và polypropylene - trong 76% mẫu sữa của 34 bà mẹ khỏe mạnh sau khi sinh con một tuần ở thủ đô Rome. Tất cả những loại nhựa này đều có thể được tìm thấy trong bao bì nhựa.
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu ghi nhận các phụ nữ trên đã tiêu thụ thực phẩm và đồ uống đựng trong bao bì nhựa, cũng như sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân có chứa nhựa. Tuy nhiên, họ không tìm thấy mối liên hệ trực tiếp nào với sự hiện diện của vi nhựa. Điều này cho thấy mức độ phổ biến của vi nhựa trong môi trường khiến con người không thể tránh khỏi nguy cơ phơi nhiễm.
Tiến sĩ Valentina Notarstefano, đồng tác giả của nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Marche ở Italy, cho biết bằng chứng về sự xuất hiện của vi nhựa trong sữa mẹ làm gia tăng quan ngại đối với nhóm trẻ sơ sinh cực kỳ dễ tổn thương. Việc thực hiện các biện pháp giảm tiếp xúc với chất gây hại này trong thời kỳ mang thai và cho con bú là rất quan trọng. Tuy nhiên, những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn lớn hơn nhiều so với tác hại gây ra do sự hiện diện của vi nhựa.
Nhóm nghiên cứu chưa thể xác định các yếu tố nguy cơ liên quan đến vi nhựa trong sữa mẹ, song Tiến sĩ Notarstefano khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tránh thực phẩm và đồ uống được đóng gói trong bao bì nhựa, cũng như quần áo làm bằng vải tổng hợp và mỹ phẩm có chứa vi nhựa. Bà cũng nhấn mạnh rằng nghiên cứu không hạ thấp việc cho trẻ bú sữa mẹ, mà thay vào đó, muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm tăng cường hành động vì môi trường.
Vi nhựa là các hạt nhựa nhỏ hơn 5 mm, có ảnh hưởng độc hại đối với tế bào con người và động vật, nhưng tác động cụ thể của chúng đối với sức khỏe vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Những hạt nhựa nhỏ này có thể mất nhiều thập kỷ để phân hủy hoàn toàn.