Tạp chí Environment International từng công bố nghiên cứu cho thấy trong năm 2016 có 745.000 người đã thiệt mạng vì bệnh tim và đột quỵ liên quan tới làm việc nhiều giờ. Con số này tăng 30% so với năm 2000.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời giám đốc Giám đốc Văn phòng Y tế và Môi trường của WHO-bà Maria Neira chia sẻ: “Làm việc trên 55 tiếng mỗi tuần gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều chúng ta cần làm với thông tin này là khuyến khích thêm hành động, tăng cường bảo vệ người lao động”.
Nghiên cứu do WHO và Tổ chức Lao động Quốc tế phối hợp thực hiện cho kết quả hầu hết các nạn nhân của tình trạng làm việc quá giờ là nam giới, ở độ tuổi trung niên hoặc hơn, chiếm tới 72%.
Bên cạnh đó, người dân Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, theo phân chia của WHO là bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Australia, chịu nhiều tác động nhất của tình trạng làm việc nhiều giờ.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu thu thập từ 194 quốc gia cho thấy làm việc trên 55 tiếng mỗi tuần có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và tử vong vì bệnh tim hơn 17% so với người lao động làm việc 35-40 tiếng mỗi tuần.
Nghiên cứu tập trung vào dữ liệu trong khoảng thời gian 2000-2016, không tính đến giai đoạn xuất hiện và bùng phát dịch COVID-19. Tuy nhiên, các quan chức WHO nhận định làm việc từ xa và kinh tế toàn cầu chững lại có thể gia tăng rủi ro liên quan đến làm việc nhiều giờ.
Nhiều nhân viên của WHO, trong đó có cả Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus, thừa nhận họ phải làm việc nhiều giờ trong thời gian diễn ra dịch COVID-19.
Bà Neira kết luận rằng Liên hợp quốc cần tìm biện pháp cải tiến chính sách sau nghiên cứu này.