Nghị sĩ Nga cảnh báo các nước cho Mỹ đặt tên lửa sẽ trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev cho rằng các nước cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trong lãnh thổ là chấp thuận trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev. Ảnh: TASS

Hãng thông tấn TASS dẫn lời nghị sĩ Kosachev ngày 5/8 khẳng định thông qua việc cho phép Mỹ lắp đặt tên lửa, “các nước này tự động và tự nguyện trở thành một mục tiêu tấn công hạt nhân với thời gian tên lửa tấn công chỉ vài phút”.

Ông Konstantin Kosachev giải thích: “Chúng ta cần phải làm rõ, trước khi những chiến dịch tuyên truyền bắt đầu, bằng cách tự hỏi ‘Tại sao là chúng ta? Chúng ta vừa cho Mỹ bố trí tên lửa trong lãnh thổ của mình, mà lại không nhằm chống các phần tử khủng bố (cũng như Iran, Triều Tiên và Syria). Không, điều này sẽ không được diễn ra”. 

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh về sự cần thiết của việc nối lại đàm phán nhằm đảo bảo an ninh và sự ổn định chiến lược giữa Moskva và Washington, đồng thời tránh một chạy đua vũ trang không giới hạn. 

“Bất kể điều gì đã xảy ra [Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)], chúng tôi vẫn tính tới nhận thức chung, trách nhiệm của các đồng nghiệp Mỹ và đồng minh của Washington đối với người dân của họ cũng như trước toàn thể cộng đồng quốc tế", Tổng thống Nga nhấn mạnh. 

Mỹ và Liên Xô ký hiệp ước INF vào ngày 8/12/1987 và có hiệu lực từ 1/6/1988. Hiệp ước quy định hai nước không được triển khai các loại tên lửa mặt đất tầm trung trên mặt đất (1.000-5.000km) và tầm ngắn (500 – 1.000km). Washington đã nhiều lần cáo buộc Moskva vi phạm thỏa thuận song Moskva đều bác bỏ. Về phần mình, Nga cũng bày tỏ sự bất bình về việc Mỹ không thuân thủ hiệp ước.

Phát biểu tại cuộc hop ở thủ đô Moskva ngày 5/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này đang yêu cầu Mỹ từ bỏ kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn. “Chúng tôi yêu cầu Washington thể hiện trách nhiệm và chấp hành giống Nga để dừng triển khai các hệ thống tầm trung và tầm ngắn Mỹ đã xây dựng mà Lầu Năm Góc đã nhiều lần nhắc tới”, ông Ryabkov nói. 

Đối mặt với những mối đe dọa mới từ Mỹ, Nga sẽ đưa ra hành động toàn diện để đảm bảo an ninh của nước này. Ông Ryabkov khẳng định: “Dưới những mối đe dọa mới của Mỹ, chúng ta chắc chắn sẽ có những biện pháp toàn diện để đảm bảo an ninh của chúng ta. Hơn thế, như Tổng thống Vladimir Putin từng nói hôm 2/2, đất nước chúng ta sẽ không triển khai tên lửa mặt đất tầm trung hoặc ngắn tại châu Âu hay những nơi khác cho đến khi vũ khí loại này của Mỹ xuất hiện ở đó”. 

Quan chức ngoại gia Nga nhấn mạnh quyết định triển khai tên lửa của Moskva ở đâu sẽ phụ thuộc vào các động thái của Washington. “Nếu Mỹ bắt đầu triển khai các hệ thống mới ở châu Á, thì sau đó những hành động tương xứng sẽ được thực hiện. Điều này cũng được áp dụng tương tự [cho tình huống khi Mỹ triển khai tên lửa] ở châu Âu”, ông Ryabkov nói thêm.

Liên quan đến tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper về việc muốn sớm bố trí tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á – Thái Bình Dương. Thủ tướng Ausralia Scott Morrison ngày 5/8 khẳng định không chấp thuận triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại quốc gia này. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết nước này không thảo luận, xem xét hay bất cứ kế hoạch về khả năng triển khai các tên lửa tầm trung của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Vào ngày 2/8, Bộ Ngoại giao Nga chính thức xác nhận rằng hoạt động của INF đã bị chấm dứt do quyết định đơn phương rút khỏi của Mỹ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Australia không đồng ý ‘đón tiếp’ tên lửa Mỹ
Australia không đồng ý ‘đón tiếp’ tên lửa Mỹ

Thủ tướng Ausralia Scott Morrison ngày 5/8 khẳng định không chấp thuận triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại quốc gia này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN