Nghị sĩ Mỹ kiện Tổng thống Trump vi phạm Hiến pháp khi bổ nhiệm Bộ trưởng Tư pháp

Ngày 19/11, các thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ ở Mỹ đã nộp đơn kiện phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump chỉ định ông Matthew Whitaker - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp - giữ chức quyền Bộ trưởng Tư pháp.

Chú thích ảnh
Ông Matthew Whitaker tại một buổi tranh luận trên truyền hình ở Johnston, bang Iowa, Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN

Trong đơn kiện gửi lên một tòa án liên bang ở Washington, bên nguyên cho rằng Tổng thống Trump đã vi phạm Hiến pháp khi chỉ định ông Whitaker làm quyền Bộ trưởng Tư pháp mà không qua Thượng viện phê chuẩn.

Theo các thượng nghị sĩ này, Thượng viện Mỹ thậm chí còn chưa chấp nhận để ông Whitaker phục vụ tại bất kỳ văn phòng chính quyền liên bang nào.

Nhóm nghị sĩ lập luận theo Hiến pháp, việc chỉ định các quan chức cấp liên bang phải được thực hiện dưới sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện và đây là một công cụ giám sát quan trọng đối với quyền lực của một tổng thống Mỹ.

Trước đó, ngày 7/11, Tổng thống Trump đã chỉ định cựu công tố viên Whitaker làm quyền Bộ trưởng Tư pháp thay thế cựu Bộ trưởng Jeff Sessions mới bị cách chức trước đó.

Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng ông Whitaker được lựa chọn để bảo vệ Tổng thống Trump trước cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, cuộc điều tra mà ông luôn cho là vô nghĩa trong khi Moskva luôn khẳng định không liên quan.

Theo thông lệ, sau khi ông Sessions bị cách chức, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein sẽ là người được lựa chọn vào vị trí quyền Bộ trưởng. Trong khi đó, ông Rosenstein cũng đang là người chịu trách nhiệm giám sát vụ điều tra trên.

Vì vậy, ông Whitaker được chỉ định lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ là người giám sát cuộc điều tra các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống.

Ông Whitaker là người đã chỉ trích cuộc điều tra được tiến hành dưới thời người tiền nhiệm này là "quá rộng", khiến các nhà lập pháp của đảng Dân chủ lo ngại rằng việc sa thải Bộ trưởng Sessions và nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế có thể là "điềm báo" cho việc Tổng thống Trump sẽ sớm chấm dứt cuộc điều tra này.

Trước làn sóng chỉ trích, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định quyết định của Tổng thống Trump là hợp pháp. Ngày 19/11, người phát ngôn Bộ Tư pháp Kerri Kupec cho rằng quyết định của tổng thống dựa trên tiền lệ và thông lệ từ nhiều thế kỷ qua và phù hợp với hành động của các tổng thống Mỹ, không phân biệt là tổng thống của đảng Dân chủ hay Cộng hòa.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Fox New hôm 18/11, Tổng thống Trump khẳng định ông Whitaker là một người thông minh, đáng tôn trọng và sẽ làm những việc đúng đắn. 

Đây là vụ kiện thứ 3 trong tuần qua nhằm phản đối quyết định đưa ông Whitaker lên lãnh đạo Bộ Tư pháp. Trước đó, có một đơn kiện được đệ trình lên Tòa án Tối cao và một đơn kiện của bang Maryland gửi lên một tòa án liên bang cũng xoay quanh vấn đề này.

Lê Ánh (TTXVN)
Phe Dân chủ gay gắt yêu cầu quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không giám sát cuộc điều tra cáo buộc can thiệp bầu cử
Phe Dân chủ gay gắt yêu cầu quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không giám sát cuộc điều tra cáo buộc can thiệp bầu cử

Ngày 11/11, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã tiếp tục gây áp lực lên quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker nhằm buộc ông này phải từ bỏ quyền giảm sát cuộc điều tra đặc biệt về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 của công tố viên Robert Mueller.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN