“Chiến dịch đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo tôi, chiến dịch sẽ chấm dứt khi giới lãnh đạo Ukraine sẵn sàng đàm phán”, đài RT (Nga) dẫn lời ông Kartapolov trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti hôm 1/6. Quan chức này cho biết tình hình trên thực địa đã thay đổi và lực lượng của Kiev đang bắt đầu rạn nứt.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko cho biết nước này sẵn sàng đàm phán và ký kết các thỏa thuận hướng tới hòa bình với Ukraine.
Sau 3 tháng xảy ra xung đột, Nga và Ukraine tiến hành nhiều cuộc trao đổi. Một số cuộc gặp đã được tổ chức ở Belarus và các bên sau đó tiếp tục đàm phán trực tuyến. Cuộc gặp trực tiếp gần đây nhất diễn ra ở Istanbul ngày 29/3. Tuy nhiên, ngày 12/4, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố với truyền thông rằng Kiev đã xa rời những thỏa thuận trước đó và khiến quá trình đàm phán đi vào bế tắc. Ngày 20/4, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moskva đã chuyển cho Kiev một dự thảo thỏa thuận rõ ràng và đang chờ phản hồi.
Về phần mình, Ukraine tuyên bố nước này sẽ không nhất trí về một lệnh ngừng bắn với Nga nếu Moskva không rút quân, bởi Nga sẽ kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc xung đột, chỉ khi các lực lượng quân đội Nga rút trở về vị trí ban đầu trước ngày 24/2 - thời điểm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ông Mykhailo Podolyak, một thành viên của phái đoàn đàm phán Ukraine, cũng đã bác bỏ khả năng Ukraine sẽ ký một thỏa thuận với Nga tương tự như các thỏa thuận hòa bình Minsk, cho rằng điều này chỉ dẫn tới cuộc xung đột tạm thời “bị đóng băng” chứ không phải nền hòa bình bền vững. Trước đó, ông Podolyak cho biết tiến trình đàm phán trong khuôn khổ các phái đoàn giữa Ukraine và Nga đã bị đình trệ. Tuy nhiên, quan chức này cũng bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ được nối lại.
Trong động thái mới đây nhất, hôm 31/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị Moskva và Kiev tổ chức vòng đàm phán mới tại Istanbul. Ông cho biết tiến trình hòa bình dường như đã đạt được một số tiến bộ trước khi đổ vỡ. Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đảm nhận vai trò giám sát viên, nếu được cả hai bên đồng ý theo nguyên tắc, và sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Ukraine với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc.
Ngày 24/2, Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phản hồi lời kêu gọi của lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng tại Donbass. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, mà chỉ phi quân sự hóa và phi phát xít hóa lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva và liên tục cấp vũ khí giúp Ukraine cản đà tiến công của Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 1/6 công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao có tầm bắn tới 80km.
Moskva đã kêu gọi Washington không thực hiện bước đi mang tính khiêu khích như vậy, điều đó sẽ chỉ làm leo thang xung đột hơn nữa. Nước này lưu ý rằng Washington đang ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột, có thể gây ra “những hậu quả khó lường đối với an ninh toàn cầu”. Đồng thời, giới chức tuyên bố các kho vũ khí từ phương Tây ở Ukraine là “mục tiêu hợp pháp” của các lực lượng Nga.