Nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao đã nói rằng giải pháp duy nhất cho xung đột hiện tại giữa Hezbollah và Israel, có thể mang lại hòa bình và an ninh cho cả Israel và Liban, phải là giải pháp chính trị. Theo họ, một phần của giải pháp này có thể liên quan đến Nghị quyết 1701 mà HĐBA LHQ đã nhất trí cách đây hơn 18 năm.
Bà Randa Slim, giám đốc chương trình giải quyết xung đột tại Viện Trung Đông trụ sở ở Mỹ, nhận định, hiện có nhiều chỉ trích với Nghị quyết 1701. Nhưng theo bà Slim, tính đến gần đây, Nghị quyết 1710 đã thực sự mang đến 17 năm tương đối yên ổn cho khu vực biên giới Israel-Liban (Lebanon).
Các nhà lãnh đạo Liban đã nhất trí khởi xướng việc thực thi Nghị quyết 1701 của HĐBA LHQ. Thủ tướng lâm thời Liban Najib Mikati; Chủ tịch Quốc hội kiêm lãnh đạo Phong trào Amal của người Shiite, ông Nabih Berri; cùng lãnh đạo người Druze, đồng thời là cựu lãnh đạo đảng Xã hội Tiến bộ, ông Walid Jumblatt, lên án mọi hành động quân sự nhằm vào người dân thường Liban cũng như người dân Palestine ở Dải Gaza. Các chính khách này cho rằng những hành động đó tiềm ẩn nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tổng lực.
Trong một phát biểu khác ngày 2/1, Thủ tướng Mikati nhấn mạnh cần ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt tình trạng thù địch gia tăng giữa Israel và Hezbollah. Ông cho biết đã có khoảng 1,2 triệu người trên khắp Liban phải di dời do các cuộc tấn công của Israel.
Nghị quyết 1701 là gì?
Nghị quyết 1701, được các thành viên của HĐBA LHQ nhất trí thông qua vào tháng 8/2006. Nó đã giúp chấm dứt một cuộc giao tranh ngắn ngủi nhưng tàn khốc giữa Hezbollah và quân đội Israel.
Cuộc xung đột năm 2006 nổ ra vào giữa tháng 7 năm đó khi thành viên Hezbollah tiến vào Israel và bắt cóc hai binh sĩ Israel gần biên giới. Tám binh sĩ Israel khác đã tử vong do chiến dịch này. Ngay cả trước đó, đã xảy ra giao tranh giữa hai bên từ lâu. Nhưng sau khi Hezbollah bắt cóc binh Israel vào năm 2006, Tel Aviv đã triển khai chiến dịch không kích ở Liban, bao gồm cả Beirut.
Israel cáo buộc chính phủ Liban chịu trách nhiệm về hành động của Hezbollah, nhưng các quan chức Liban phủ nhận liên quan và kêu gọi HĐBA LHQ can thiệp. Vào ngày 11/8/2006, HĐBA LHQ đã kêu gọi "chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch". Sau đó, cả Hezbollah và Israel đều đồng ý ngừng bắn theo các điều kiện của Nghị quyết 1701.
Nội dung Nghị quyết 1701
Điểm chính của Nghị quyết 1701 là tạo điều kiện để Hezbollah và quân đội Israel không đối mặt trực diện qua biên giới. Nghị quyết nêu rõ rằng cả hai bên đều phải tôn trọng các quy tắc mới trong khu vực giữa sông Litani và Đường Xanh - biên giới "tạm thời" do LHQ vạch ra sau các cuộc giao tranh trước đó.
Khu vực này sẽ do Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại miền Nam Liban (UNIFIL) cùng quân đội Liban kiểm soát. Nghị quyết 1701 cũng nêu rõ rằng chính phủ và quân đội Liban phải là nhóm vũ trang duy nhất ở quốc gia này và Hezbollah cần giải giáp.
Nhiệm vụ của UNIFIL là thực thi các quy tắc của Nghị quyết 1701 và cung cấp kênh liên lạc giữa quân đội Israel và Liban. Các nhà quan sát cho biết vai trò của UNIFIL trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho liên lạc đã thành công. Nhưng UNIFIL không chịu trách nhiệm giải giáp Hezbollah, cũng không có nghĩa vụ liên lạc với lực lượng này.
Tuy nhiên, Nghị quyết 1701 được thông qua theo một bộ quy chế đặc thù của HĐBA LHQ, điều đó có nghĩa là không có quy tắc mới nào trong số này thực sự có thể được thực thi về mặt quân sự.
Dưới đây là video về vụ nổ lớn xảy ra tại Beirut vào đêm 5/10, khi Israel tiếp tục tấn công vào các mục tiêu ở thủ đô Liban (nguồn: Reuters):
Trong những năm qua, đã có nhiều lần Nghị quyết 1701 bị vi phạm, với cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau. Ví dụ, vào năm 2010 xảy ra nổ súng khi người Israel chặt hạ cây người Liban tuyên bố thuộc về họ. Vào năm 2018, tại một cuộc họp báo của HĐBA LHQ, Israel cáo buộc Hezbollah đào đường hầm bên dưới Đường Xanh. Cũng tại cuộc họp báo đó, chính phủ Liban đã phàn nàn rằng Israel vi phạm Nghị quyết 1701 hầu như hàng ngày, bao gồm các chuyến bay qua biên giới Liban, lên tới khoảng 1.800 vụ việc mỗi năm.
Năm 2023, Hezbollah cáo buộc Israel cố gắng sáp nhập thêm đất đai ở khu vực này bằng cách xây dựng rào chắn an ninh. Để phản đối điều này, người dân địa phương đã biểu tình và Hezbollah dựng một chiếc lều gần đó. Phía Israel coi đây là hành động khiêu khích .
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng, xét về tổng thể, Nghị quyết 1701 có hiệu quả tương đối và cho đến năm ngoái, lệnh ngừng bắn vẫn được duy trì.
Trong một diễn biến mới, ngày 5/10, UNIFIL tuyên bố họ sẽ không rời khỏi các vị trí ở miền Nam nước này, bất chấp yêu cầu rời đi từ phía Israel.
Trong một thông cáo, UNIFIL cho hay: "Vào ngày 30/9, quân đội Israel đã thông báo cho UNIFIL về ý định tiến hành các cuộc xâm nhập trên bộ hạn chế vào Liban. Họ cũng yêu cầu chúng tôi rời khỏi một số vị trí của mình", tuy nhiên "lực lượng gìn giữ hòa bình tiếp tục ở lại đây".