Trong tuyên bố, bà Pelosi cho biết việc thảo luận dự luật nhằm giúp hỗ trợ xây dựng cầu, đường, sân bay, trường học, cùng các công trình khác sẽ được các Hạ nghị sĩ tiến hành trong ngày 27/9. Trước đó, bà thông báo sẽ không đưa dự luật này ra bỏ phiếu nếu không chắc chắn việc Hạ viện thông qua.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ chưa đưa ra khung thời gian cụ thể về việc bỏ phiếu dự luật chống biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội, trị giá 3.500 tỷ USD, cho biết hiện các nghị sĩ vẫn đang thảo luận về dự luật này.
Dự luật xây dựng cơ sở hạ tầng và dự luật chống biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội là những biện pháp quan trọng trong chương trình nghị sự về kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các nghị sĩ Mỹ đã gọi dự thảo ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD là “kế hoạch chi tiêu xã hội mang lại hiệu quả nhất” kể từ những năm 30 của thế kỷ trước đến nay. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng gói chi tiêu khổng lồ này (tương đương với quy mô nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức trong năm 2020) phản ánh tầm nhìn dài hạn của Tổng thống Biden - sẽ là nguồn cơn cho các cuộc tranh cãi căng thẳng tại hai viện.
Dự thảo ngân sách này bao gồm cấp ngân sách cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu, đầu tư mới vào cơ sở hạ tầng (trong đó có những danh mục không nằm trong dự luật đầu tư hạ tầng cơ sở vừa được Thượng viện thông qua), trao quy chế công dân Mỹ cho hàng triệu lao động nhập cư và miễn phí hai năm học tại các trường đại học công lập.
Cho đến nay, các nghị sĩ của đảng Dân chủ vẫn chưa đạt được đồng thuận về hai biện pháp này. Một số nghị sĩ cho rằng cần giữ lại dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD cho đến khi dự luật chi tiêu lớn hơn sẵn sàng. Trong khi đó, một số nghị sĩ lại muốn thúc đẩy việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng, bất chấp tiến triển của gói chi tiêu 3.500 tỷ USD, trong đó có các điều khoản mở rộng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người cao tuổi cũng như giảm mạnh lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bà Pelosi không đưa ra cách thức cụ thể nhằm thu hẹp bất đồng trong nội bộ đảng Dân chủ, song theo bà, nếu được thông qua, số tiền dành cho dự luật biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội có thể thấp hơn mức đề xuất 3.500 tỷ USD.
Hiện Quốc hội Mỹ đang đối mặt với hạn chót nâng mức trần nợ công vào ngày 30/9 để tiếp tục hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan liên bang, nếu không chính phủ nước này sẽ phải lần thứ hai đóng cửa một phần trong vòng 3 năm. Nếu Quốc hội Mỹ không hành động, nền kinh tế đầu tàu thế giới có nguy cơ bị vỡ nợ do Bộ Tài chính nước này sẽ cạn tiền, không thể trang trải các khoản kinh phí vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.
Dự kiến, trong ngày 27/9, Thượng viện sẽ bỏ phiếu về việc cho phép các cơ quan liên bang của Mỹ duy trì hoạt động đến ngày 3/12, cũng như đình chỉ áp mức trần nợ công cho đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, các nghị sĩ của đảng Cộng hòa vẫn đang phản đối biện pháp trên.